Thạnh Hóa ứng dụng công nghệ cao là 'chìa khóa' để phát triển nông nghiệp
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản của nông dân trên địa bàn huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Đây chính là nền tảng, 'chìa khóa' để nông nghiệp huyện phát triển hiệu quả, bền vững.
Hướng đi bền vững
Huyện Thạnh Hóa xác định ƯDCNC vào sản xuất là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Vì vậy, năm 2022, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện tập trung lãnh, chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn, khuyến cáo người dân sản xuất theo lịch thời vụ để "né" rầy và phòng trừ hiệu quả các loại sâu, bệnh gây hại; không ngừng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, giúp người dân giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Năm 2022, huyện gieo sạ trên 40.750ha lúa, tăng 850ha so với kế hoạch; sản lượng 231.000 tấn, đạt 102% kế hoạch; lợi nhuận bình quân 33,5 triệu đồng/ha. Đây là năm thứ 2 huyện thực hiện Chương trình hành động số 08 của Huyện ủy về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025.
Chương trình nhằm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, huyện triển khai, thực hiện được 6 mô hình sản xuất lúa ƯDCNC với tổng diện tích 370ha; 3 mô hình sản xuất chanh ƯDCNC với diện tích 83ha”.
Qua đánh giá, diện tích lúa trong mô hình phát triển tốt, ít sâu, bệnh, chi phí sản xuất thấp hơn so với diện tích ngoài mô hình gần 700.000 đồng/ha. Sản xuất trong mô hình ƯDCNC còn giúp nông dân giảm từ 10-15% lượng giống gieo sạ, giảm 2 lần phun thuốc trừ sâu, bệnh. Đến nay, nông dân từng bước canh tác theo phương pháp mới, tiến bộ và khoa học hơn. Ngoài sử dụng giống xác nhận để tăng giá trị nông sản, nông dân còn kết hợp phân hữu cơ vi sinh, giảm lượng phân vô cơ; hạn chế sử dụng các loại thuốc tăng trưởng, hóa học độc hại. Qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng, hướng đến nền sản xuất nông sản sạch, an toàn và bền vững.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp ấp 4, xã Thạnh An - Nguyễn Văn Giang cho biết: “Gia đình tôi có 5ha nếp sản xuất trong mô hình ƯDCNC; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc đến thu hoạch nên giảm chi phí sản xuất và khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn như hiện nay. Lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 2-2,5 triệu đồng/ha”.
Ngoài cây lúa, huyện còn có khoai mỡ với diện tích gần 2.800ha, năng suất bình quân 12,5 tấn/ha, lợi nhuận bình quân từ 41-80 triệu đồng/ha. Các loại cây trồng khác như chanh (trên 595ha), khóm (436ha), mai vàng (520ha), dưa hấu (756ha) đều tăng diện tích so với năm 2021 và phát triển ổn định.
Đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất
Những năm qua, huyện Thạnh Hóa luôn quan tâm, chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng không chỉ là động lực để chuyển dịch sản xuất theo hướng thâm canh, tập trung, quy mô lớn mà còn góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2022, huyện tập trung nâng cấp 2 trạm bơm điện và 1 công trình nạo vét kênh kết hợp làm đường giao thông, kinh phí trên 4 tỉ đồng.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đầu tư 1 tuyến đường giao thông nông thôn; nạo vét kênh kết hợp làm đê bao; 2 công trình giao thông vùng lúa và 1 công trình cầu giao thông vùng chanh với tổng kinh phí gần 8 tỉ đồng. Qua đó, giúp việc ứng dụng cơ giới hóa, vận chuyển hàng hóa, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp thuận lợi.
Ông Nguyễn Kinh Kha cho biết thêm: “Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, huyện tăng cường vận động nông dân gieo sạ khi lũ rút, xuống giống tập trung, đồng loạt đúng theo lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm hạn chế dịch bệnh, tránh thiệt hại khi mặn xâm nhập sớm ở các xã cuối nguồn như Tân Đông và Tân Tây. Năm 2023, huyện tiếp tục gia cố các khu đê bao có nguy cơ ảnh hưởng khi triều cường cao; mở rộng thêm 750ha lúa và 60ha chanh trong vùng ƯDCNC. Ngoài ra, huyện tích cực hỗ trợ, hướng dẫn hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm doanh nghiệp uy tín hợp đồng tiêu thụ nông sản để người dân an tâm sản xuất”.
Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Thạnh Hóa bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Đây là hướng đi đúng, tất yếu giúp nền nông nghiệp huyện dần khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân./.