Thanh Hóa và những 'mùa xuân mới'
Đại thắng mùa xuân năm 1975 không những là chiến thắng vẻ vang, chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, mà tinh thần đó sau chiến tranh còn được Nhân dân trong cả nước nói chung và Nhân dân Thanh Hóa nói riêng phát huy trong xây dựng và phát triển đất nước, tiếp tục làm nên những 'mùa xuân mới' về kinh tế, xã hội.
Thanh Hóa đã phát huy nội lực, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài và đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, trong năm 2023 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Thanh Hóa vẫn khẳng định “bản lĩnh” bằng những con số đáng tự hào. Đó là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,01%, cao hơn bình quân chung của cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 40.000 tỷ đồng, vượt 14,1% so với dự toán, đứng thứ 8 trong các tỉnh, thành phố có tổng số thu ngân sách Nhà nước cao nhất cả nước. 100% thôn, bản trong toàn tỉnh đã có lưới điện quốc gia (hoàn thành trước 2 năm so với mục tiêu). Gần 3.450 doanh nghiệp mới thành lập. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 170.000 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ...
Trong đó, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là trụ đỡ cho sự ổn định của kinh tế - xã hội. Đây cũng là ngành đạt được nhiều thành tựu “rực rỡ” nhất của xứ Thanh trong nhiều năm qua. Riêng năm 2023, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 4,16%, vượt chỉ tiêu đề ra và là mức cao nhất từ trước tới nay. Tất cả các lĩnh vực của ngành đều đạt mức tăng trưởng khá trở lên.
Ở lĩnh vực trồng trọt, tổng sản lượng lương thực ước đạt trong năm 2023 là 1,57 triệu tấn (vượt 2,8% kế hoạch). Các mô hình nông nghiệp tiếp tục được nhân rộng và cho hiệu quả cao, như mô hình tích tụ đất trồng cây ăn quả có múi tại Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân... cho thu nhập 500 triệu đồng/ha; mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Triệu Sơn cho thu nhập 400 triệu đồng/ha; mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần và lúa thương phẩm đã tăng hiệu quả kinh tế từ 1,2 đến 1,5 lần, lợi nhuận cao hơn từ 30 đến 50 triệu đồng/ha... Góp phần quan trọng làm tăng giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng, lên khoảng 120 triệu đồng/ha (tăng 5 triệu đồng so với năm 2022). Các sản phẩm nông nghiệp thương hiệu Thanh Hóa được nâng tầm, dần chinh phục được những thị trường khắt khe nhất trên thế giới. Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh ta xuất khẩu thành công lô vải không hạt được trồng tại Ngọc Lặc đến Nhật Bản và Vương quốc Anh.
Trong chăn nuôi, năm 2023 là năm thứ 2 liên tiếp trong 11 năm gần đây không để xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm. Trong năm có nhiều dự án tầm cỡ, được đầu tư bài bản đi vào hoạt động như: khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1 với quy mô trên 4.000 lợn nái, trên 11.000 lợn con theo mẹ; khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO tại huyện Thạch Thành... Cùng với các khu chăn nuôi quy mô lớn của Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk, Tập đoàn TH Truemilk, Tập đoàn DABACO, Công ty CP Nông sản Phú Gia... chăn nuôi Thanh Hóa tiếp tục duy trì mạch tăng trưởng bền vững. Đến nay, tổng đàn lợn trong tỉnh đạt 1,25 triệu con (đứng thứ 3 toàn quốc), đàn bò đạt 260 nghìn con (đứng thứ 3), đàn trâu đạt 180 nghìn con (đứng thứ 5) và đàn gia cầm đạt 24 triệu con (đứng thứ 4).
Thúc đẩy nông nghiệp phát triển không thể không nói đến thành tựu XDNTM tại Thanh Hóa. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 4 huyện và trên 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trên 10% số xã và 10% số thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 17 huyện, thị xã, thành phố, trên 88% số xã, 65% số thôn, bản đạt chuẩn NTM. Bình quân toàn tỉnh đạt 18,6% tiêu chí/xã. Thanh Hóa là tỉnh nằm trong top đầu của nước về số xã đạt chuẩn NTM. Trong 3 năm từ năm 2021 đến 2023, người dân Thanh Hóa đã hiến 1,5 triệu m2, đóng góp 640 tỷ đồng và 590 ngàn ngày công lao động để hiện đại hóa đường giao thông, các công trình công cộng... trong quá trình XDNTM.
Lĩnh vực lâm nghiệp, việc trồng rừng tập trung đã vượt 25% kế hoạch, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt trên 28% tại 7 huyện. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 215,6 nghìn tấn, vượt 2,2% kế hoạch, tăng 3,7% so với cùng kỳ.
Ông Hoàng Viết Chọn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: “Ngành đã phối hợp với chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái... Thay đổi tư duy nông nghiệp sẽ được ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới, đồng thời áp dụng khoa học, các tiến bộ kỹ thuật và chuyển đổi số, tự động hóa, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, là kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và trọng tâm là nông nghiệp công nghệ cao gắn với sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo đầu ra thị trường”.
Cùng với nông nghiệp, những năm qua Thanh Hóa tiếp tục nổi lên nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh, trở thành lực đẩy tăng trưởng quan trọng, đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển đi lên. Trong đó, công nghiệp đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2021-2023 ngành công nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hằng năm ước đạt 15,41%/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân hằng năm tăng 14,86%. Đặc biệt, trong nội bộ ngành công nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều tín hiệu vui. Theo số liệu công bố bởi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 địa phương thu hút nhiều FDI nhất năm 2023, Thanh Hóa được xướng tên cùng với các đầu tàu kinh tế khác của đất nước là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Long An.
Ngành du lịch tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch, nhất là năm 2023 đã vượt chỉ tiêu đón khách trong vòng 11 tháng. Trong năm, Thanh Hóa đón khoảng 12,35 triệu lượt khách, vượt 3% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 616 nghìn lượt, gấp 2,5 lần. Tổng doanh thu du lịch, ước đạt trên 24 nghìn tỷ đồng. Hoạt động cải cách thủ tục hành chính chuyển biến tích cực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Năm 2023 Thanh Hóa đứng thứ 3 cả nước về xếp hạng Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Xếp thứ 5 cả nước về Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS)... Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực văn hóa xã hội cũng có bước chuyển tích cực, nhất là giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao, an sinh xã hội...
Phát huy truyền thống đi đầu, nếu trong kháng chiến cùng một lúc, Thanh Hóa thực hiện vai trò vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến và vai trò nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến nay, Thanh Hóa tiếp tục khẳng định bản lĩnh, vị thế trong phát triển các lĩnh vực kinh tế xã hội, nỗ lực trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển phía Bắc của Tổ quốc.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/thanh-hoa-va-nhung-mua-xuan-moi-30878.htm