Thanh Hóa vi phạm 'chính sách người có công với cách mạng' ai chịu trách nhiệm?
Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa thu hồi số tiền hơn 97 tỷ đồng chi sai 'chế độ người có công với cách mạng'.
Tuy nhiên, trong số này, hầu hết có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều trường hợp bệnh hiểm nghèo hoặc đã chết.
Phát hiện hơn 2 nghìn trường hợp vi phạm
Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) công bố kết luận thanh tra về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và công tác quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thuộc niên độ kế toán từ năm 2019 - 2021 của tỉnh Thanh Hóa.
Qua thanh tra 13.425 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ đang hưởng chế độ chất độc hóa học, phát hiện 2.114 trường hợp vi phạm.
Trong số trường hợp vi phạm, có 696 hồ sơ không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn; 579 hồ sơ thiếu điều kiện; 781 hồ sơ thiếu cơ sở cần kiểm tra, xác minh thông tin; 39 hồ sơ hưởng không đúng mức trợ cấp; và 19 hồ sơ cần xem xét lại kết quả giám định y khoa. Tổng số tiền mà Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đề nghị thu hồi do có vi phạm là hơn 97 tỷ đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, đối với 696 trường hợp phải đình chỉ, thu hồi với số tiền 97 tỷ đồng, sở đã kiểm tra, rà soát 72 trường hợp bị bệnh ung thư thì có 26 trường hợp đã chết.
Đến nay, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa đã ban hành quyết định chấm dứt và thu hồi chế độ của 625 trường hợp, với số tiền là gần 82 tỷ đồng.
Đối với 781 trường hợp nghi vấn không bị dị dạng, dị tật, hoặc bị nhẹ và có khả năng lao động theo kết luận thanh tra, sở đã phối hợp với các huyện tiến hành kiểm tra và xác định:
Số đối tượng đủ điều kiện tiếp tục hưởng chế độ trợ cấp là 409 trường hợp; số không đủ điều kiện là 196 trường hợp; số vắng mặt chưa đến làm việc là 154 trường hợp; số có đơn xin thôi hưởng là 22 trường hợp. Đến nay, sở đã ban hành quyết định chấm dứt và thu hồi chế độ của 196 trường hợp và quyết định tạm đình chỉ chế độ của 154 trường hợp vắng mặt.
Đối với 579 trường hợp phải bổ sung giấy tờ, tính đến tháng 11/2022, đã có 122 trường hợp bổ sung giấy tờ chứng minh đã công tác, chiến đấu tại vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học đảm bảo theo quy định.
Thu hồi liệu có khả thi?
“Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, việc thu hồi số tiền hưởng sai nộp ngân sách Nhà nước, tính đến ngày 14/11, mới thu hồi được 2 trường hợp, với số tiền hơn 140 triệu đồng (1 trường hợp ở huyện Bá Thước hơn 31 triệu đồng và 1 trường hợp ở huyện Quan Sơn hơn 109 triệu đồng)”.
Nằm trong danh sách những trường hợp bị cắt và bị truy thu số tiền hưởng chất độc hóa học, chị Mạch Thị Thiết (29 tuổi, ở xã Công Liêm, huyện Nông Cống) đang vô cùng lo lắng, bởi gia đình chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã Công Liêm.
Chồng mất sớm, bản thân chị Thiết có tiền sử tâm thần, sức khỏe yếu nên cuộc sống của ba mẹ con (trong đó, một bé khuyết tật vận động, nằm liệt một chỗ) chỉ dựa vào số tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước.
Chị Thiết là con gái của thương binh Mạch Văn Đoàn (bị mất một cánh tay ở chiến trường và đã mất nhiều năm trước). Cách đây gần 20 năm, do bị di chứng từ cha, nên chị thường xuyên đau ốm, đầu óc không bình thường, chị được nhận chế độ chất độc hóa học cũng từ thời điểm đó.
Sau gần 20 năm nhận chế độ, vừa qua, chị Thiết nhận được thông báo bị cắt và phải trả lại toàn bộ số tiền hơn 100 triệu đồng đã hưởng.
Theo chị Phạm Thị Hòa, cán bộ chính sách xã Công Liêm, huyện Nông Cống, đối với gia đình chị Thiết, xã và thôn cũng có đề xuất đến cơ quan chức năng xem xét lại, vì gia đình quá khó khăn và éo le. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn ban hành quyết định cắt và truy thu số tiền trên với lý do, chị Thiết không bị dị dạng dị tật, không phải điều trị tâm thần, còn khả năng lao động và đang nuôi con nhỏ.
Chung tình cảnh như chị Mạch Thị Thiết, anh Đỗ Gia Hùng (52 tuổi, ở thôn Cung Điền, xã Minh Nghĩa), là hộ nghèo cũng đã bật khóc khi nhận được thông báo bị cắt và phải trả lại số tiền hơn 133 triệu đồng đã hưởng chế độ chất độc hóa học từ trước tới nay.
“Tôi được nhận chế độ chất độc hóa học từ cách đây gần 20 năm. Bố tôi là ông Đỗ Minh Chơi tham gia kháng chiến trong vùng bị rải chất độc hóa học nên tôi bị ảnh hưởng. Việc dừng trợ cấp đã khiến gia đình chật vật, huống hồ thu hồi số tiền đó, tôi không biết sẽ phải làm cách nào để trả, bán nhà thì không biết ở đâu”, anh Hùng buồn bã.
Được biết, huyện Nông Cống có 59 trường hợp phải tạm dừng trợ cấp và thu hồi với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng.
Ông Lê Đình Bốn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Cống, cho biết, trường hợp bị dừng trợ cấp và thu hồi số tiền hưởng sai, phòng trao đổi trực tiếp nắm được tâm tư, nguyện vọng, giải thích để các đối tượng hiểu, đồng thuận.
Tuy nhiên, hầu hết trường hợp này hoàn cảnh rất khó khăn, việc dừng trợ cấp hàng tháng đã tạo áp lực lên cuộc sống của họ. Do vậy, việc thu hồi số tiền hàng trăm triệu đồng đã hưởng trước đây là rất khó.
Tại huyện Đông Sơn có 18 trường hợp bị truy thu số tiền trợ cấp. Mặc dù đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp lại số tiền hưởng sai nhưng đến nay, địa phương vẫn chưa thu hồi được trường hợp nào.
Ông Phạm Đình Điện, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Sơn, cho biết, qua nắm bắt tại cơ sở, tất cả trường hợp thuộc diện dừng, thu hồi số tiền hưởng sai đều chấp hành tuy nhiên, họ mong muốn không truy thu số tiền đã nhận trước đó vì nhiều hộ rất khó khăn, không có khả năng chi trả.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, cho biết, sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh và thông báo tạm dừng chi trả trợ cấp đối với các trường hợp nghi vấn, không đảm bảo điều kiện theo như kết luận của thanh tra bộ chỉ ra.
“Việc thu hồi gặp nhiều khó khăn do hầu hết các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, bệnh nặng hoặc một số trường hợp đã chết. Hiện, sở đang giao cho các địa phương nỗ lực triển khai việc này”, bà Hương thông tin.