Thanh Hóa xử lý 7 nhóm đua xe, chống đối lực lượng chức năng
Bảy nhóm thanh, thiếu niên có hành vi tụ tập đua xe, lạng lách đánh võng, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.
Chiều 22-11, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết tính từ 5-10 đến nay, Phòng Cảnh sát Cơ động tỉnh Thanh Hóa (CSCĐ) đã bắt, xử lý gần 200 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 50 triệu đồng.
Trong đó, công an xử lý bảy nhóm với hơn 60 thanh thiếu niên thường xuyên tụ tập điều khiển xe mô tô, xe máy lạng lách, đánh võng từ đó làm làm tan rã, giải tán nhiều nhóm đua xe khác.
Trước đó, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa Thiếu tướng Trần Phú Hà đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát cơ động phối hợp với công an các địa phượng tiến hành khảo sát, rà soát, nắm phương thức hoạt động của các nhóm thanh, thiếu niên có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Với phương châm vừa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lực lượng CSCĐ ngoài việc tổ chức truy bắt “nóng” các trường hợp vi phạm trên đường, còn thành lập các tổ công tác tiến hành lập hồ sơ, xác định rõ nơi thường trú, lí lịch của từng nhóm người, ghi lại hình ảnh để đến tận gia đình xử lý.
Qua rà soát địa bàn TP Thanh Hóa và các địa phương giáp ranh là TP Sầm Sơn, huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Hoằng Hóa có khoảng 11 nhóm thanh, thiếu niên thường xuyên tổ chức đua xe.
Cụ thể, các nhóm Racing boy, Tai thỏ, Bắc cọp, Thanh béo, Thiết Đạt… với khoảng 100 thanh thiếu niên tuổi từ 15 - 20 tuổi thường xuyên tụ tập đi xe mô tô, xe máy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, chống đối, cản trở lực lượng thi hành nhiệm vụ. "Công an đã làm việc, yêu cầu gia đình pháp phối hợp quản lý, giáo dục, răn đe con em mình không tái phạm", Thiếu tá Nguyễn Quốc Quân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Phòng Cảnh sát Cơ động (Công an Thanh Hóa) thông tin.
Phó trưởng Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Thanh Hóa Thượng tá Lê Văn Tiên cho biết: Các trường hợp vi phạm đều thể hiện sự cố tình vi phạm, coi thường các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng có những hành vi vi phạm pháp luật về ATGT chỉ là giải pháp cuối cùng.
"Điều quan trọng hơn, đó chính là trách nhiệm và sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và cả cộng đồng để quản lý, giáo dục con em mình để các em tự nâng cao ý thức và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông”, Thượng tá Lê Văn Tiên nói.