Thanh khoản bùng nổ trên HOSE như thế nào?
Thanh khoản bùng nổ khiến lượng lệnh bình quân trên HOSE tới cuối tháng 5/2021 đã tăng gần gấp đôi năm 2020, gấp 4 lần 2019. Gần đây, lượng lệnh bình quân đạt khoảng 870.000 lệnh/ngày, sát ngưỡng thiết kế của hệ thống - vượt tổng lệnh bình quân 3 năm liền trước cộng lại.
"Lệnh tăng bằng lần"
Hiện tượng nghẽn lệnh trên Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã xuất hiện từ tháng 12/2020 và kéo dài tới nay. Qua khoảng gần 6 tháng, hàng loạt biện pháp cấp bách đã được áp dụng song thực tế không thể giải quyết triệt để. Một lý do được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đó là thanh khoản và lượng lệnh tăng quá nhanh, trong khi năng lực hệ thống của HOSE thì có giới hạn. Vậy thực tế, thanh khoản và lượng lệnh đã tăng trên HOSE như thế nào?
Số liệu thống kê cho thấy, giá trị giao dịch trên HOSE liên tục xác lập các mốc kỷ lục mới và từ “thanh khoản tỷ đô” cũng dần thân thuộc. Tháng 12/2020, giá trị giao dịch bình quân trên HOSE đạt 12.736 tỷ đồng/ngày và nghẽn lệnh bắt đầu xuất hiện ở ngưỡng 15.000 – 16.000 tỷ đồng (ngày 17/12). Đến tháng 1/2021, thanh khoản tiếp tục tăng lên mức 17.292 tỷ đồng/ngày. Thanh khoản giảm trong tháng nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng sau đó lại tăng không ngừng nghỉ, lên 18.808 tỷ đồng/ngày trong tháng 4 và 22.428 tỷ đồng/ngày vào tháng 5. Chưa dừng ở đó, tính tới ngày 7/6/2021, thanh khoản bình quân ngày tiếp tục dâng cao, đạt 27.489 tỷ đồng/ngày, trong đó nhiều phiên thanh khoản đã vượt ngưỡng 30.000 tỷ đồng/ngày.
Như vậy, một so sánh nhẹ cho thấy, thanh khoản tới tháng 5/2021 đã tăng hơn 116% so với cuối năm 2020, tăng hơn 295% so với cùng kỳ năm 2020; và hơn 610% so với tháng 1 năm 2020. Thanh khoản TTCK Việt Nam hiện chỉ còn đứng sau Thái Lan và khoảng cách với thị trường này cũng chỉ còn 7 lần so với mức chênh lệch 16 lần hồi đầu năm 2020.
Diễn biến tăng tương tự cũng diễn ra đối với số lượng lệnh trên HOSE. Thống kê từ HOSE cho thấy, tới hết tháng 5/2021, số lượng lệnh bình quân ngày đạt 641.482 lệnh/ngày, tăng gần gấp đôi so với số lệnh bình quân năm 2020 (347.110 lệnh/ngày), gấp khoảng 4 lần năm 2019 (154.359 lệnh/ngày). Chưa dừng ở đó, số lượng lệnh bình quân những phiên đầu tháng 6/2021 còn lên tới khoảng 870.000 lệnh/ngày. Như vậy, số lệnh bình quân hiện nay con cao hơn cả tổng lệnh bình quân của cả 3 năm trước cộng lại.
Thông tin từ HOSE cũng đã từng cho biết, hệ thống giao dịch hiện tại có tổng công suất thiết kế là 900.000 lệnh/ngày, trong đó, 20% lượng lệnh dành cho dự phòng. Do vậy, với con số 870.000 lệnh/ngày, hệ thống của HOSE đã thực sự “full tải”, khiến tình trạng nghẽn lệnh xuất hiện nghiêm trọng hơn.
“Nới đến đâu lấp đầy đến đó”
Hệ thống bị nghẽn kéo dài khiến nhà đầu tư bức xúc là không thể tránh khỏi. Một số ý kiến phản ứng quyết liệt khi cho rằng, cơ quan quản lý hay HOSE đã không tính toán dự phòng hợp lý, khiến nghẽn lệnh “chữa mãi mà chưa khỏi”.
Chia sẻ với phóng viên TBTCO, đại diện lãnh đạo HOSE cho rằng: “Hệ thống luôn có dự phòng, nhưng không phải bao nhiêu cũng có thể đáp ứng”. Hơn nữa, lãnh đạo HOSE cũng cho rằng, ở góc độ quản lý, việc tính toán dự phòng luôn tính tới mức tối ưu hóa chi phí. Chẳng hạn như thời điểm ngày 2/1/2020, giá trị giao dịch bình quân là 2.250 tỷ đồng/ngày, thì rất khó để dự phòng được con số tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng gần 1,5 năm sau đó.
Trên thực tế, hệ thống của HOSE đã vận hành hơn 20 năm và đã cũng trải qua các đợt tăng công suất, nhưng chắc chắn không thể quá con số 900.000 lệnh/ngày, bởi đây là năng lực thiết kế tối đa. Trong nửa năm qua, nhiều phương án đã được tính tới và nhiều phương án đã được triển khai: nâng lô 10 lên 100, yêu cầu công ty chứng khoán tối ưu lệnh, ngừng giao dịch niêm yết mới, chuyển niêm yết sang HNX,… Hay hồi tháng 4, HOSE cải tiến kỹ thuật, rồi mới đây là các công ty chứng khoán hạn chế sửa, hủy lệnh.
Tất cả những giải pháp đó đều cho hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu khi thanh khoản tăng mạnh, nhưng để triệt để thông thoáng thì chưa, bởi “nới bao nhiêu lấp đầy bấy nhiêu”. Trong bối cảnh quá tải, HOSE đã vẫn nỗ lực “chèo lái” đưa thanh khoản tăng hơn gấp đôi lên mức 30 nghìn tỷ đồng vào những ngày giao dịch đầu tháng 6/2021.
Trong khi đó, hệ thống mới phối hợp với FPT xây dựng dù tốc lực triển khai nhưng không thể hoàn thành trong “ngày một ngày hai”, bởi đây là cả một hệ thống giao dịch chứng khoán lớn, đôi khi an toàn còn quan trọng hơn cả nhanh.
Thông tin tới báo chí mới nhất, phía FPT và HOSE đều tin tưởng hệ thống mới sẽ vận hành chính thức vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Với công suất thiết kế xử lý từ 3 – 5 triệu lệnh/ngày, kỳ vọng sẽ đáp ứng được tốt nhất nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 10 phiên giao dịch nữa, vì thế có lẽ nhà đầu tư vẫn phải sống với “trạng thái bình thường mới” trên TTCK thêm một thời gian ngắn nữa. Ưu tiên lớn nhất hiện nay là giữ cho hệ thống giao dịch không bị ngừng hoạt động, bởi lúc đó “mất sẽ nhiều hơn”./.