Thanh khoản giảm sút, 'sức khỏe' nhóm chứng khoán có dấu hiệu suy yếu

Bức tranh kết quả kinh doanh ngành chứng khoán trong quý IV cũng như cả năm 2024 đang dần hé lộ. Tính tới ngày 17/1 đã có 7 công ty chứng khoán thực hiện công bố BCTC quý IV, trong đó có công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh nhưng cũng xuất hiện cả công ty thua lỗ.

Cái tên đầu tiên trong nhóm chứng khoán công bố BCTC quý IV/2024 tiếp tục là Chứng khoán MB (MBS). Công ty ghi nhận doanh thu hoạt động quý IV tăng 40% so với cùng kỳ lên 758 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này giảm 6% so với quý III liền trước.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý IV đạt 207 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ 2023. Lãi ròng thu về đạt 165 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ và tiếp tục giảm khoảng 8% so với quý III liền trước, ghi nhận chuỗi 2 quý liên tiếp lãi sụt giảm.

Lũy kế cả năm 2024, doanh thu hoạt động của MBS đạt 3.120 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế tăng 30% lên 931 tỷ, qua đó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm đã đề ra.

Kết quả kinh doanh CTCK đã xuất hiện số lỗ.

Kết quả kinh doanh CTCK đã xuất hiện số lỗ.

Tại nhóm vốn hóa nhỏ hơn, Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) đạt hơn 7 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ 4% so với quý IV/2023, lợi nhuận trước thuế vỏn vẹn gần 700 triệu đồng. Lợi nhuận trước thuế cả năm hơn 4 tỷ, giảm 38%.

Chứng khoán CV (CVS) ghi nhận doanh thu hoạt động đạt gần 5 tỷ trong quý IV, tăng trưởng 562% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, kết quả CVS lỗ trước thuế gần 4 tỷ đồng trong quý IV vừa qua – ghi nhận quý thứ 10 liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Lũy kế cả năm 2024, công ty chứng khoán (CTCK) này lỗ trước thuế gần 27,5 tỷ đồng.

Tích cực hơn, Chứng khoán UP công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với doanh thu hoạt động đạt gần 12 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế tăng gần 51% lên xấp xỉ 2 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế đạt 10 tỷ đồng, tăng trưởng đột biến 1.120% so với năm ngoái.

Chứng khoán Kafi ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 257 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ.

Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE đã liên tục giảm trong nhiều tháng qua. Thậm chí, từ đầu năm 2025 tới nay, thanh khoản khớp lệnh trung bình chỉ còn 9.500 tỷ đồng/phiên, thấp nhất trong vòng 2 năm.

Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của mảng môi giới và đầu tư tại các CTCK, bởi đây là lĩnh vực có phần đặc thù.

Xét từ BCTC của nhóm doanh nghiệp chứng khoán trong năm 2024, cho vay ký quỹ và tự doanh là hai cấu phần chính. Doanh thu từ hoạt động cho vay ký quỹ đóng góp 36% vào tổng doanh thu, nhờ dư nợ cho vay ký quỹ tăng 33% so với cùng kỳ, còn doanh thu từ hoạt động tự doanh đóng góp 26%.

Tuy nhiên, trong nửa sau của năm 2024, hiệu suất của nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán giảm dần trong bối cảnh lãi suất huy động bắt đầu nhích tăng và diễn biến thị trường kém tích cực. Giao dịch khối ngoại bán ròng mạnh trong năm, cùng áp lực từ tỷ giá khiến thị trường chung bị ảnh hưởng, các CTCK cũng không nằm ngoài "con sóng".

Dựa trên quan điểm thận trọng về thanh khoản thị trường, SSI Research ước tính tăng trưởng doanh thu của các CTCK sẽ có phần nào hạn chế trong năm 2025 nhưng tăng trưởng lợi nhuận có thể cải thiện nhờ việc cắt giảm chi phí hoạt động.

Trong đó, thu nhập từ phí/hoa hồng mảng môi giới chứng khoán ước tính gần như không đổi trong bối cảnh giá trị giao dịch tăng nhẹ có thể bù đắp một phần cho xu hướng giảm phí giao dịch do cạnh tranh gay gắt giữa các thành viên thị trường. Tuy nhiên, việc tăng vốn đáng kể trong năm 2024 và kế hoạch 2025 tiếp tục sẽ hỗ trợ doanh thu mảng cho vay ký quỹ.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/thanh-khoan-giam-sut-suc-khoe-nhom-chung-khoan-co-dau-hieu-suy-yeu-1104683.html