Thành lập 14 năm chỉ mở rộng 2 lần, vì sao BRICS chọn 6 nước này kết nạp?
BRICS được thành lập năm 2009 với Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và lần đầu tiên mở rộng để kết nạp Nam Phi vào năm 2010.
Thành lập 14 năm, chỉ mở rộng 2 lần
Khối BRICS đã thực hiện một bước quan trọng trong việc mở rộng phạm vi và ảnh hưởng của mình với thông báo mời thêm 6 nước là Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tham gia với tư cách thành viên chính thức từ ngày 1/1 năm sau.
Khối được thành lập năm 2009 với Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, lần đầu tiên mở rộng để kết nạp Nam Phi vào năm 2010.
Trước khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh thường niên tại Nam Phi vào tuần này, hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS và 23 quốc gia đã chính thức nộp đơn xin tham gia.
“Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm đáng kể của các nước Nam bán cầu đối với tư cách thành viên BRICS,” khối này cho biết trong tuyên bố Johannesburg II được thông qua vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Năm.
Đồng thời cũng cho biết thêm, 6 nước này đã được chọn sau khi “các nước BRICS đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục hướng dẫn của quá trình mở rộng BRICS”.
Vì sao 6 nước này được gọi tên?
Theo Giáo sư Danny Bradlow, Đại học Pretoria, 6 quốc gia được mời tham gia BRICS đều là những quốc gia quan trọng trong khu vực.
Theo Sanusha Naidu, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đối thoại Toàn cầu, một cơ quan tư vấn của Nam Phi, với sự bao gồm của Ả Rập Saudi, Iran, UAE và Ai Cập, có thể cho rằng nhóm này lấy Trung Đông làm trung tâm.
Trung Quốc gần đây đã làm trung gian cho việc tái thiết lập quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran, một vai trò mà theo truyền thống sẽ được đảm nhiệm bởi một quốc gia như Mỹ. Ấn Độ cũng đã ký một thỏa thuận với UAE để giao dịch bằng đồng rupee Ấn Độ và đồng dirham của UAE thay đồng đô la Mỹ.
Nhà nghiên cứu Naidu cũng cho rằng điều quan trọng là danh sách mở rộng “rất tập trung vào năng lượng”. Khi lựa chọn các thành viên mới, khối có thể đã tính đến việc có thể giảm bớt tính dễ bị tổn thương về chi phí dầu mỏ.
“Ngoài Nga, tất cả các quốc gia BRICS tham gia từ đầu đều là những quốc gia không sản xuất năng lượng. Họ cần có khả năng làm cho nền kinh tế của mình hoạt động nhưng họ không muốn bị vướng vào các biện pháp trừng phạt”, bà giải thích.
Karin Costa Vasquez, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh cho biết, việc mở rộng của BRICS “mở ra những con đường mới cho thương mại”.
Vasquez cho biết thêm, một trong những mục đích đằng sau kế hoạch mở rộng là “tạo cơ hội cho các quốc gia BRICS giao dịch dễ dàng hơn với nhau bằng cách sử dụng đồng nội tệ”.
Jeenah, nghiên cứu viên cấp cao của Mapungupwe Institute for Strategic Reflection tại Nam Phi cho rằng, không chỉ 6 nước tham gia mà đã có 40 nước bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia. BRICS đang tham gia vào quá trình mở rộng dần dần.
Nhóm này hiện chiếm tỷ trọng lớn hơn trong dân số và nền kinh tế thế giới. Điều này có nghĩa là nhóm này có tiềm năng có tiếng nói mạnh mẽ trong việc cải cách các thỏa thuận quản trị toàn cầu nhưng Giáo sư Danny Bradlow cho rằng điều này còn phụ thuộc vào việc liệu nhóm có hiệu quả hơn trong việc xây dựng các thỏa thuận về cải tổ các cơ chế quản trị toàn cầu hay không.