1,4 tỷ USD đổ vào thị trường, chứng khoán vẫn rớt khỏi đỉnh lịch sử

Sau 2 lần vượt mốc 1.500 điểm trong phiên hôm nay (18/7), VN-Index vẫn không thể bảo vệ thành quả. Đà tăng thu hẹp, thậm chí có thời điểm chỉ số chính lùi về dưới tham chiếu.

Sau phiên ATO, VN-Index đã có thời điểm “chạm” mốc 1.500 điểm, tuy nhiên, thành quả chưa thể bảo toàn. Phải sau khoảng 1 tiếng 30 phút giao dịch, chỉ số chính mới lại một lần nữa vượt thành công ngưỡng 1.500 điểm.

Ngay từ những phút đầu phiên sáng, thị trường chứng khoán diễn ra vô cùng sôi động với sắc xanh lan rộng và dòng tiền tham gia mạnh mẽ. Chỉ trong nửa buổi sáng, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đã vượt 12.500 tỷ đồng, phản ánh tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư khi VN-Index tiến sát và vượt mốc 1.500 điểm.

 VN-Index trở lại mốc 1.500 điểm.

VN-Index trở lại mốc 1.500 điểm.

Nhiều mã ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đồng loạt tăng giá, đóng vai trò dẫn dắt. Lần gần nhất VN-Index vượt 1.500 điểm là vào ngày 6/1/2022, khi chỉ số đóng cửa ở mức khoảng 1.528 điểm - cũng là đỉnh lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến nay. Sau đó, thị trường lao dốc mạnh trong năm 2022. Việc VN-Index quay lại mốc 1.500 điểm trong tháng 7 đánh dấu một chu kỳ phục hồi mạnh mẽ, sau giai đoạn tạo đáy quanh 900 điểm vào cuối năm 2022.

Cổ phiếu đóng góp tích cực nhất vào đà tăng sáng nay là VHM, tăng 4% lên 97.900 đồng/đơn vị. 20/30 cổ phiếu VN30 tăng giá, MSN tăng mạnh nhất 4,9%. Bên cạnh cổ phiếu lớn, dòng tiền tiếp tục tìm đến các mã nhỏ, có tính đầu cơ.

Theo nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), việc chỉ số VN30 vượt đỉnh lịch sử thiết lập từ năm 2021 và tiếp tục duy trì đà tăng mạnh đã củng cố kỳ vọng rằng, VN-Index có thể tiến gần đến vùng giá cao nhất trong lịch sử. Trong đó, cổ phiếu VHM (Vinhomes) tiếp tục tạo đỉnh mới, trở thành điểm tựa dẫn dắt dòng tiền vào nhóm bất động sản, đặc biệt là các mã vốn hóa vừa và nhỏ – phần lớn vẫn đang giao dịch dưới vùng đỉnh của năm 2023–2024.

Cùng với đó, xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang nhóm cổ phiếu đầu tư công, xây dựng và vật liệu xây dựng cũng đang rõ nét, nhờ kỳ vọng vào tốc độ giải ngân đầu tư công - được xem là động lực hỗ trợ tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm. Về mặt kỹ thuật, nhiều mã trong nhóm này đã vượt qua xu hướng giảm giá trong trung và dài hạn kéo dài trước đó, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư theo đuổi chiến lược ngắn hạn.

SHS lưu ý, thị trường đang bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II – yếu tố sẽ chi phối mạnh đến diễn biến cổ phiếu trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cần theo sát các thông tin báo cáo doanh nghiệp, đồng thời đánh giá kỹ áp lực chốt lời khi VN-Index tiếp cận vùng đỉnh lịch sử từng ghi nhận vào tháng 1/2022.

Chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam nhận định, ở thời điểm hiện tại, áp lực chốt lời khả năng cao sẽ dâng cao trong các phiên tới khi VN-Index tiến tới mốc 1.515 điểm. Việc mua đuổi quá mức theo tâm lý hưng phấn có khả năng sẽ đối diện với rủi ro nhất định điều chỉnh sau quá trình tăng điểm mạnh.

Phiên chiều nay, thị trường liên tục giằng co trước biến động tại rổ VN30. Đầu kéo tích cực nhất đưa VN-Index vượt 1.500 điểm trong phiên sáng - VHM suy giảm sức ảnh hưởng, đóng cửa chỉ còn tăng 2%. Dòng tiền tiếp đổ mạnh vào thị trường bất chấp nhiều cổ phiếu đã lên vùng giá cao, đang ở vùng đỉnh cũ.

Nhóm ngân hàng hút dòng tiền, với TCB, STB lần lượt là những giao dịch giá trị lớn nhất. 8 mã đạt giá trị giao dịch hơn 1.000 tỉ đồng gồm: TCB, STB, SSI, VIX, MSN, SHB, HPG, VPB. Gần 1,5 tỷ cổ phiếu “sang tay” trên HoSE, tương đướng giá trị giao dịch 35.633 tỷ đồng.

Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 77 tỷ đồng sau giai đoạn mua ròng mạnh liên tiếp trong nửa đầu tháng 7.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,27 điểm (0,49%) lên 1.497,28 điểm. HNX-Index tăng 1,68 điểm (0,68%) 247,77 điểm. UPCoM-Index tăng 0,53 điểm (0,51%) lên 104,74 điểm.

Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/14-ty-usd-do-vao-thi-truong-chung-khoan-van-rot-khoi-dinh-lich-su-post1761319.tpo