Thành lập bộ phận giúp việc Hội đồng trường để nâng hiệu quả quản trị trường ĐH
Trên thực tế, việc vận hành bộ máy Hội đồng trường tại các trường ĐH gặp nhiều khó khăn do thiếu bộ phận giúp việc hành chính, chuyên trách hỗ trợ nhiệm vụ.
Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan [1]. Hội đồng trường có một trong những nhiệm vụ quan trọng là quyết định chiến lược, định hướng, kế hoạch phát triển cũng như trong công tác tổ chức, cán bộ trường đại học.

Ảnh minh họa.
Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã chỉ rõ ngoài những nhiệm vụ ghi trong Quy chế tổ chức và Hoạt động của trường đại học, có 9 nhiệm vụ của Hội đồng trường như sau:
“Thứ nhất, quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của trường đại học; chủ trương phát triển trường đại học thành đại học hoặc việc sáp nhập với trường đại học khác;
Thứ hai, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở của trường đại học phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Thứ ba, quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động;
Thứ tư, quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật;
Thứ năm, quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;
Thứ sáu, quyết định chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển trường đại học; chính sách học phí, hỗ trợ người học; phê duyệt kế hoạch tài chính; thông qua báo cáo tài chính hằng năm, báo cáo quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của trường đại học;
Thứ bảy, quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của trường đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; quyết định chính sách tiền lương, thưởng, quyền lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý trường đại học theo kết quả, hiệu quả công việc và vấn đề khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;
Thứ tám, giám sát việc thực hiện quyết định của hội đồng trường, việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của trường đại học và trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng trường đại học; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường đại học; báo cáo hằng năm trước hội nghị toàn thể của trường đại học về kết quả giám sát và kết quả hoạt động của hội đồng trường;
Thứ chín, tuân thủ pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan về các quyết định của hội đồng trường; thực hiện công khai, minh bạch thông tin, chế độ báo cáo; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng trường; chịu sự giám sát của xã hội, cá nhân và tổ chức trong trường đại học”.
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trường, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng đã chỉ rõ: “Hội đồng trường sử dụng bộ máy của Nhà trường để thực hiện nhiệm vụ”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc vận hành bộ máy của Hội đồng trường tại các trường đại học đang rất khó khăn, cụ thể do Hội đồng trường không có bộ máy giúp việc hành chính, chuyên trách giúp thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng trường. Nếu Hội đồng trường sử dụng bộ máy của nhà trường thì cũng khó khăn do các phòng ban chức năng trong nhà trường cũng còn giải quyết rất nhiều việc của trường đại học. Do đó, nếu sử dụng các phòng ban giúp việc cho Hội đồng trường thì chắc chắn hiệu quả không cao.
Mặt khác, nếu sử dụng các ban chuyên môn do Hội đồng trường lập ra từ các thành viên Hội đồng trường thì cũng khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ do các thành viên Hội đồng trường đều là các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài trường đại học nên không có nhiều thời gian và chuyên môn sâu về giải quyết các nhiệm vụ của Hội đồng trường (nên sử dụng các ban chuyên môn trong việc thẩm định các văn bản, báo cáo, tờ trình của Ban Giám hiệu trước khi Hội đồng trường thông qua thì tốt hơn).
Trên cơ sở các nội dung phân tích từ thực tiễn nêu trên, bài viết tập trung nghiên cứu đề xuất việc thành lập một bộ phận giúp việc cho Hội đồng trường cũng như nhận diện được vai trò và nhiệm vụ của bộ phận giúp việc, từ đó giúp tăng cường năng lực thực thi chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trường trong các trường đại học.
Vai trò của bộ phận giúp việc Hội đồng trường
Bộ phận giúp việc Hội đồng trường được Chủ tịch Hội đồng trường thành lập với số thành viên từ 3-5 người, trong đó trưởng bộ phận giúp việc cho Hội đồng trường nên là Thư ký Hội đồng trường (cần lưu ý nếu Thư ký Hội đồng trường là trưởng phòng tổ chức cán bộ hoặc trưởng phòng pháp chế của trường đại học thì rất hiệu quả), thành viên là lãnh đạo và chuyên viên phòng tổ chức cán bộ và phòng pháp chế. Bộ phận giúp việc do Chủ tịch Hội đồng trường trực tiếp chỉ đạo làm việc.
Bộ phận giúp việc cho Hội đồng trường có vai trò tham mưu, tư vấn và hỗ trợ soạn thảo các loại văn bản, quy chế quản trị của trường đại học.
Nhiệm vụ của bộ phận giúp việc Hội đồng trường
Bộ phận giúp việc cho Hội đồng trường chủ động thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Một là, cập nhật thường xuyên các văn bản mới của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan đến trường đại học và Hội đồng trường để báo cáo Chủ tịch Hội đồng trường;
Hai là, thường xuyên tham mưu xây dựng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quản trị trường đại học theo tinh thần quy định của các văn bản mới của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành;
Ba là, thu thập các ý kiến góp ý của các đơn vị, cá nhân trong trường đại học trước mỗi văn bản mới, văn bản bổ sung, sửa đổi của Hội đồng trường theo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở;
Bốn là, rà soát, hoàn thiện tính pháp lý của các văn bản trước khi Chủ tịch Hội đồng trường ký ban hành;
Năm là, tổng hợp thông tin về hoạt động của trường đại học, các tờ trình của Hiệu trưởng báo cáo Chủ tịch Hội đồng trường;
Sáu là, chuẩn bị tài liệu phục vụ ban chuyên môn của Hội đồng trường thẩm định trước mỗi kỳ họp của Hội đồng trường;
Bảy là, chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu, gửi giấy mời họp tới các thành viên Hội đồng trường và các bên liên quan trước mỗi kỳ họp của Hội đồng trường;
Tám là, bộ phận là cầu nối liên hệ giữa nhà trường, Hội đồng trường với các thành viên Hội đồng trường, đặc biệt là các thành viên Hội đồng trường là người ngoài trường đại học;
Chín là, chuẩn bị các báo cáo, giải trình với cơ quan chủ quản, các cơ quản lý Nhà nước và các bên liên quan theo nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng trường;
Mười là, tham mưu, góp ý các văn bản của Nhà nước, văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho Hội đồng trường;
Mười một là, quản lý, lưu trữ các loại văn bản, biên bản các kỳ họp của Hội đồng trường;
Mười hai là, thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng trường giao.
Kết luận
Hội đồng trường là tổ chức quản trị trong trường đại học, có nhiệm vụ quan trọng là ban hành các văn bản quản trị trường đại học, trong khi các thành viên Hội đồng trường đều đang kiêm nhiệm các nhiệm vụ quan trọng trong và ngoài trường đại học, do đó nếu không có một bộ phận chuyên trách giúp việc thì Hội đồng trường khó có thể hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hội đồng trường các trường đại học nên thành lập bộ phận giúp việc giúp tham mưu, rà soát tính pháp lý, tính chuyên môn cho phù hợp trước khi Hội đồng trường ban hành, nhằm tránh sai sót, tránh vi phạm pháp luật, đảm bảo mọi văn bản được đúng quy trình, quy định là hết sức cần thiết.
Bộ phận giúp việc cho Hội đồng trường nên có số thành viên lẻ, từ 3-5 người trong đó trưởng bộ phận giúp việc cho Hội đồng trường nên là Thư ký Hội đồng trường, các thành viên cần có lãnh đạo và chuyên viên các phòng tổ chức cán bộ, phòng pháp chế.
Bộ phận giúp việc có vai trò quan trọng trong việc tham mưu, hỗ trợ soạn thảo các văn bản, quy chế quản trị trong trường đại học, đảm bảo các hoạt động, các văn bản của Hội đồng trường ban hành đúng quy định cho Hội đồng trường.
Bộ phận giúp việc có 12 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong các công tác: rà soát các văn bản pháp lý, cập nhật bổ sung, hoàn thiện các văn bản quản trị trường đại học; tham mưu, hỗ trợ xây dựng các văn bản mới; chuẩn bị tài liệu giúp các ban chuyên môn Hội đồng trường thẩm định cũng như tài liệu chuẩn bị cho các kỳ họp Hội đồng trường; chuẩn bị các báo cáo, giải trình với cơ quan chủ quản, các cơ quản lý Nhà nước và các bên liên quan theo nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng trường và cuối cùng là quản lý, lưu trữ các văn bản của Hội đồng trường cũng như các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng trường giao.
Qua kinh nghiệm thực tiễn giúp việc hành chính cho Hội đồng trường, nhận thấy rất cần thiết thành lập bộ phận giúp việc cho Hội đồng trường, từ đó giúp Chủ tịch Hội đồng trường cũng như các ban chuyên môn trong việc ban hành các văn bản quản trị trường đại học cũng như các hoạt động khác của Hội đồng trường một cách hiệu quả nhất.
Tài liệu tham khảo
[1] Luật Giáo dục Đại học năm 2012.
[2] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục Đại học năm 2018.
[3] Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.
[4] http://vjes.vnies.edu.vn/sites/default/files/khgdvn_-_tap_19_-_s1_-25-31.pdf
[5] https://www.ueh.edu.vn/cuoc-song-ueh/tin-tuc/de-hoi-dong-truong-phat-huy-het-vai-tro-3620