Thành lập các ban quản lý lưu vực sông là nhiệm vụ cấp thiết
Góp ý vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề thành lập các ban quản lý lưu vực sông là một trong các nhiệm vụ cấp thiết cần được xem xét đưa vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); đồng thời, hướng đến việc coi nước đã qua sử dụng như một nguồn tài nguyên nước.
Cần đặt vấn đề tái sử dụng nước trong dự thảo Luật
Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng qua, một trong những vấn đề đã được đề cập đến trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và đang rất được quan tâm đó là bảo đảm an ninh nguồn nước và tuần hoàn tái sử dụng nước, thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn tài nguyên. Tuần hoàn tài nguyên nói chung và tài nguyên nước nói riêng được khuyến khích trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương, Đại học Bách khoa Hà Nội, lĩnh vực tuần hoàn tài nguyên nước chưa được đưa ra hoặc chưa đề cập sâu trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Từ đó dẫn đến nhiều rào cản trong việc áp dụng tái sử dụng nước trong các lĩnh vực khác nhau.
Đi sâu vào nội dung này, PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương phân tích, chuyển đổi mô hình quản lý tài nguyên nước theo hướng tuần hoàn góp phần bảo đảm việc phát triển kinh tế và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hoàn thiện thể chế chính sách thúc đẩy tuần hoàn tái sử dụng nước thải cũng là một trong những giải pháp cần tập trung nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước ở Việt Nam. Do đó, đề xuất cần đặt vấn đề tái sử dụng nước trong dự thảo Luật, trong đó đưa ra định nghĩa về các khái niệm tái sử dụng nước, tuần hoàn nước, cải tạo nước, để từng bước hướng đến việc coi nước đã qua sử dụng như một nguồn tài nguyên nước.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, Phó chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh cho rằng, để hoàn thiện quy định về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn tài nguyên nước trước hết phải làm rõ 3 cụm từ “sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước”, “sử dụng hiệu quả tài nguyên nước” và “sử dụng tuần hoàn tài nguyên nước”. Khi đưa vào quy định trong luật pháp về “sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn tài nguyên nước”, phải thể hiện rõ nội hàm của các khái niệm này để bảo đảm tính đầy đủ và áp dụng thực tiễn sát thực.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương đề xuất, nội dung liên quan đến khuyến khích tuần hoàn tái sử dụng nước có thể bước đầu được đưa ra trong mục 3, Chương IV của dự thảo Luật. Bên cạnh việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả thì cũng cần làm rõ hơn các nội dung về các biện pháp (Điều 58), các ưu đãi (Điều 59), phát triển khoa học công nghệ (Điều 60) liên quan đến việc tuần hoàn tái sử dụng nước.
Ngoài ra, khi thiết kế các điều khoản luật liên quan đến “sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn tài nguyên nước” trong bối cảnh thể chế “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” về cơ bản do nhu cầu thị trường chi phối, PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh nêu rõ, cần lưu ý hiệu quả tài nguyên nước là sự cân đối giữa cung và cầu về tài nguyên nước, tiết kiệm tài nguyên nước phụ thuộc vào công nghệ, còn tuần hoàn tài nguyên nước cũng phụ thuộc vào công nghệ và thị trường. Khi thiết kế điều khoản về quy định trong Luật Tài nguyên nước cũng cần chú ý tới các yếu tố này.
Cần sự thống nhất quản lý theo lưu vực sông
Liên quan tới quản lý lưu vực sông, GS.TS. Vũ Minh Cát, Đại học Thủy lợi cho biết, Điều 56 của Luật Thủy lợi năm 2017 quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thủy lợi, có trách nhiệm “Chỉ đạo điều hòa, phân phối nước và tổ chức thực hiện xây dựng kế hoạch sử dụng nước trong hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác …”.
Tuy nhiên, Điều 79, dự thảo Luật lại quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông, nguồn nước trong phạm vi cả nước, “công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh; xây dựng, rà soát, điều chỉnh phương án điều hòa, phân bổ nguồn nước để ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước; tổ chức thực hiện việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông liên tỉnh; công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp theo thẩm quyền…”.
Như vậy, theo quy định của Luật Thủy lợi năm 2017 thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phân phối tài nguyên nước. Trong khi đó, theo quy định tại dự thảo Luật thì Bộ Tài nguyên và Môi trường được Quốc hội giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông trong phạm vi cả nước. Một nhiệm vụ phân phối tài nguyên nước mà có 2 Bộ cùng thực hiện là chưa bảo đảm tính thống nhất, có thể gây mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thực hiện và gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật của các cá nhân, tổ chức.
Mặt khác, việc quản lý theo lưu vực sông hay quản lý theo hệ thống công trình thủy lợi là phương thức quản lý theo hướng tiếp cận hiện đại của thế giới hiện nay vì nguồn nước hình thành trọn vẹn trên một lưu vực sông nên việc đánh giá về số lượng và chất lượng sẽ chính xác và đầy đủ nhất theo phạm vi khép kín đó. Thông thường chiến lược phát triển kinh tế, xã hội được xây dựng theo tỉnh và nhu cầu nước và các vấn đề liên quan tới quy hoạch, điều tra, khai thác, sử dụng, bảo tồn và phát triển cho các tỉnh cũng khác nhau do cơ cấu của các loại hình và hoạt động kinh tế đặc thù của tỉnh. Do đó, nếu như không có sự thống nhất quản lý theo lưu vực sông, sẽ xảy ra mâu thuẫn trong việc khai thác, sử dụng nước giữa các tỉnh.
Chính vì vậy, các đại biểu đề nghị, vấn đề thành lập các ban quản lý lưu vực sông là một trong các nhiệm vụ cấp thiết cần được xem xét đưa vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Nhấn mạnh đây là dự luật khó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm một số khái niệm, định nghĩa, phạm vi điều chỉnh và các nội dung như: chính sách xã hội hóa quản lý tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước, quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước… để hoàn thiện dự thảo Luật có chất lượng cao nhất, theo hướng đáp ứng sự phát triển của công nghệ số 4.0, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.