Thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền
Việc sử dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng là quy định bắt buộc đối với tất cả các giao dịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tuân thủ chưa cao trong thực hiện. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng thành lập các đoàn tiên ngành tiến hành kiểm tra việc thực hiện hóa đơn điện tử của tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Xử lý nghiêm trường hợp không áp dụng hóa đơn từ máy tính tiền
Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Văn bản số 5258/BTC-TCT gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) và thu hồi nợ thuế.
Văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ, thời gian qua, được sự quan tâm, giúp đỡ và sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố, công tác thu ngân sách đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, số nợ đọng thuế tại nhiều địa phương trong 4 tháng đầu năm 2024 có xu hướng tăng cao, đặc biệt các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Việc sử dụng HĐĐT theo từng lần phát sinh là quy định bắt buộc đối với tất cả các giao dịch, nhưng ở một số ngành hàng vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân tuân thủ chưa cao trong thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều người dân chưa có thói quen lấy hóa đơn khi tiêu dùng, cho dù cơ quan thuế đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền và triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn” để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn.
Theo Bộ Tài chính, để thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT và đẩy mạnh đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng thuế đến thời điểm ngày 31/12/2024 trên tổng số thực thu ngân sách nhà nước (NSNN) không vượt quá 8%, theo đó Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các sở, ngành phối hợp thành lập Ban chỉ đạo triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn do lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban và các thành viên tham gia là đại diện cục thuế, cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Sở Công thương, Sở thông tin và Truyền thông...; đồng thời xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để triển khai thực hiện.
Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan quản lý có liên quan rà soát, tuyên truyền, động viên các DN, hộ kinh doanh thuộc diện triển khai áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, đặc biệt là các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng như nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, thẩm mỹ, bán lẻ thuốc tân dược, phí đường bộ, cáp treo... Thực hiện đăng ký áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong năm 2024 đạt tối thiểu 70% tổng số DN, hộ kinh doanh thuộc đối tượng phải áp dụng theo kế hoạch triển khai của cục thuế.
Thành lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra các DN, hộ kinh doanh đã đăng ký áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong các lĩnh vực kinh doanh, đảm bảo 100% giao dịch được ghi nhận và xuất đầy đủ HĐĐT; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp đã đăng ký nhưng không áp dụng, áp dụng không đầy đủ việc lập HĐĐT... Chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã, trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm tình hình hoạt động của DN theo chuyên ngành.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan thuế để giám sát và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của DN, đặc biệt là hành vi mua bán hóa đơn.
Thu hồi triệt để các khoản nợ thuế
Cũng tại văn bản này, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động chi tiết để triển khai thực hiện; rà soát danh sách người nộp thuế (NNT) có nợ thuế lớn, xác định biện pháp thu hồi cụ thể đối với từng NNT, báo cáo UBND tỉnh, thành phố và tổ chức thu hồi nợ thuế.
Công chức thuế Cục Thuế Vĩnh Phúc rà soát doanh nghiệp nợ thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế phù hợp theo quy định. Ảnh: TL
Các địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định. Đối với các dự án chây ỳ, nợ thuế kéo dài, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, Ban chỉ đạo tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thực hiện việc thu hồi đất theo quy định.
Cơ quan thuế các cấp cần phối hợp cung cấp thông tin để triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế; công khai thông tin NNT chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân, người đại diện theo pháp luật của NNT là DN chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với sở thông tin truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên các kênh thông tin để NNT tự giác tuân thủ, không để phát sinh nợ đọng thuế./.