Thành lập FTZ Đà Nẵng là chủ trương lớn cần thiết cho sự tăng trưởng của khu vực miền Trung

FTZ Đà Nẵng vừa giúp mở rộng không gian phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng, vừa là 'cầu nối' cho liên kết vùng tại khu vực Miền Trung trong thời gian đến...

FTZ Đà Nẵng vừa giúp mở rộng không gian phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng, vừa là “cầu nối” cho liên kết vùng tại khu vực Miền Trung trong thời gian đến...

FTZ Đà Nẵng vừa giúp mở rộng không gian phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng, vừa là “cầu nối” cho liên kết vùng tại khu vực Miền Trung trong thời gian đến...

Ngày 20/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên (VCCI Miền Trung – Tây Nguyên) phối hợp với Cục Phổ biến Giáo dục Pháp luật – Bộ tư pháp và Công ty CTS Việt Nam tổ chức Hội thảo “Khu thương mại tự do động lực cho tăng trưởng khu vực Miền Trung”.

Hội thảo cũng lấy ý kiến các chuyên gia, địa phương, doanh nghiệp... để VCCI có thêm ý kiến đề xuất với cơ quan thẩm quyền trong việc thành lập khu thương mại tự do (FTZ) Đà Nẵng.

Ngày 21/5 vừa qua, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính quyền đô thị và thí điểm một số chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Cụ thể, thí điểm thành lập Khu thương mại tự do (FTZ) Đà Nẵng là một nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; đã được Chính phủ trình lên Quốc hội tại Tờ trình 188/TTr-CP ngày 26/4/2024.

Đáng chú ý, trong tổng cộng có 21 chính sách, nhưng có đến 16 chính sách đã được Quốc hội cho phép thực hiện ở các tỉnh thành khác hoặc có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện TP. Đà Nẵng.

Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, địa phương, doanh nghiệp... để VCCI có thêm ý kiến đề xuất với cơ quan thẩm quyền trong việc thành lập khu thương mại tự do (FTZ) Đà Nẵng

Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, địa phương, doanh nghiệp... để VCCI có thêm ý kiến đề xuất với cơ quan thẩm quyền trong việc thành lập khu thương mại tự do (FTZ) Đà Nẵng

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên cho biết, việc Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ là “tấm áo mới“ tạo động lực mới, không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng trong giai đoạn tới. “Có thể nói rằng, FTZ là mô hình mới tại Việt Nam nhưng không mới với thế giới. Thực tế đã FTZ đã hình thành, phát triển cách đây hàng chục năm ở các nước trong khu vực và cũng như trên thế giới Singapore, Malaysia, UEA, Trung Quốc, Hoa Kỳ,... Mô hình này đã được chứng minh rất thành công ở một số quốc gia và ở cả những nước đã phát triển và đang phát triển”, ông Nguyễn Tiến Quang nói.

Theo Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia, nhà khoa học đã nhìn nhận Đà Nẵng hội đủ những điều kiện tối ưu, lợi thế so sánh lớn để hình thành FTZ và được kỳ vọng là cú hích cho phát triển kinh tế của TP. Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung trong thời gian tới. Với “lợi thế của người đi sau”, hy vọng rằng FTZ Đà Nẵng khi được hình thành sẽ tích hợp của những kinh nghiệm, mô hình thành công của thế giới, có cơ chế và tiện ích vượt trội,... góp phần vừa khắc phục những điểm nghẽn, tạo động lực tăng trưởng mới cho Đà Nẵng nói riêng, khu vực Miền Trung nói chung. FTZ Đà Nẵng vừa giúp mở rộng không gian phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng, vừa là “cầu nối” cho liên kết vùng tại khu vực Miền Trung vốn còn nhiều hạn chế trong thời gian đến.

Theo TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cũng nhìn nhận, mô hình FTZ đã được áp dụng phổ biến tại hơn 150 quốc gia trên thế giới. Những lợi ích mà FTZ mang lại không chỉ hướng tới tạo cơ chế đột phá, cạnh tranh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ cho địa phương được chọn làm nơi xây dựng, mà còn tạo ra một lượng lớn cơ hội việc làm cho người dân tại địa phương và khu vực lân cận từ tiếp nhận công nghệ, nguồn lao động chất lượng cao từ các nước phát triển đến nâng cao chất lượng hàng hóa dịch vụ trong nước góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế cả nước.

TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) nhận định Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã cho thấy sự sẵn sàng trong việc thí điểm triển khai FTZ

TS. Ngô Quỳnh Hoa chia sẻ, lý do Đà Nẵng được lựa chọn là nơi đầu tiên thí điểm thành lập FTZ tại Việt Nam xuất phát việc Đà Nẵng sở hữu những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng lẫn yếu tố con người như Cảng Liên Chiểu – một trong những Cảng biển lớn nhất cả nước, Ga Kim Liên – thuộc tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng – nằm ngay trung tâm thành phố, con người Đà Nẵng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám vươn lên; và nhiều thuận lợi khác…

Chính vì thế, theo TS. Ngô Quỳnh Hoa, tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã nhận định việc thí điểm thành lập FTZ Đà Nẵng là chủ trương lớn, cần thiết. TS. Ngô Quỳnh Hoa cho rằng, đề xuất của thành phố thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và của vùng. TS. Hoa nhận định Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã cho thấy sự sẵn sàng trong việc thí điểm triển khai FTZ

“Đây là những bước đà để TP. Đà Nẵng hướng tới trở thành một trong những địa phương đầu tiên triển khai xây dựng FTZ trên cả nước.Việc phát triển FTZ Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về FTZ của cả nước”, TS. Nguyễn Quỳnh Hoa nói thêm.

Theo ý kiến các chuyên gia, tại ASEAN, một số quốc gia có đường bờ biển dài và hệ thống cảng biển phát triển cũng đã xây dựng thành công các FTZ như Malaysia và Singapore. Cùng với đó, sự thành công của FTZ đòi hỏi xây dựng đồng bộ một loạt các chính sách hỗ trợ cùng quy định pháp luật đi kèm.

Bên cạnh đó, các quốc gia có FTZ cũng không ngừng điều chỉnh áp dụng thí điểm các cơ chế đột phá, cạnh tranh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ. Một số chính sách có tác động sâu rộng thường xuyên được chú trọng xây dựng, điều chỉnh bao gồm chính sách thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước chủ yếu xoay quanh vấn đề về thuế thu nhập doanh nghiệp và các điều kiện, thủ tục kinh doanh, đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, chính sách thu hút nhân lực nước ngoài chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài là nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển bền vững các FTZ. Song song là chính sách về đất đai bao gồm được miễn, giảm tiền thuê đất và đảm bảo thời gian thuê đất đủ lâu.

Vũ Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thanh-lap-ftz-da-nang-la-chu-truong-lon-can-thiet-cho-su-tang-truong-cua-khu-vuc-mien-trung-post516210.html