Thành lập hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ doanh nghiệp vươn xa
Hiệp hội ngành hàng là kênh đối thoại hiệu quả và thiết thực giữa nhà nước với doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của hội viên. Tại Gia Lai, ý tưởng thành lập hiệp hội ngành hàng đã manh nha rất lâu, tuy nhiên đến nay vẫn trong tình trạng… mạnh ai nấy làm.
Theo ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, trong nền kinh tế thị trường, các hiệp hội ngành hàng có vai trò quan trọng, là cầu nối giữa chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Hiệp hội ngành hàng có chức năng bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp hội viên, thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng và chia sẻ trách nhiệm xã hội. Và, hiệp hội ngành hàng, muốn thành lập phải có doanh nghiệp lớn, đủ năng lực để dẫn dắt các thành viên, đồng thời sẵn sàng chia sẻ lợi ích về kiến thức, đối tác kinh doanh, hợp đồng… với thành viên. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê là có hoạt động tương đối, các ngành hàng khác gần như vắng bóng.
Được biết, trước kia, Gia Lai cũng đã có kế hoạch thành lập hiệp hội cà phê Gia Lai với mục đích là liên kết các doanh nghiệp trồng và sản xuất để cùng nhau xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai, từ đó nâng cao giá trị cây cà phê, tăng khả năng xuất khẩu ra thị trường rộng lớn. Nhưng tới nay, hiệp hội cà phê Gia Lai vẫn chưa thể thành lập.Lý giải nguyên nhân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho hay: Kế hoạch thành lập hiệp hội cà phê Gia Lai khởi xướng cách đây khoảng 5-7 năm về trước. Song, khi mọi thứ gần như sẵn sàng thì 1, 2 doanh nghiệp “đầu tàu” đã rút lui vì nhiều lý do khác nhau, các doanh nghiệp khác cũng nản chí, thoái lui. Vì vậy đến nay, hiệp hội cà phê Gia Lai vẫn chưa được thành lập”.
Hiện Gia Lai đang phát triển khá mạnh các mặt hàng nông sản như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chuối, mắc ca, gỗ rừng trồng, yến sào... Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện Gia Lai đã được cấp 227 mã số vùng trồng (với diện tích 9.668,2 ha cây trồng) và 38 mã số cơ sở đóng gói (với tổng công suất đóng gói khoảng 1.550-1.700 tấn quả tươi/ngày); phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Mỹ... Riêng nhóm hàng nông sản chiếm khoảng 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Do đó, việc thành lập hiệp hội ngành hàng rất quan trọng.
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển các mặt hàng thế mạnh của Gia Lai, tăng khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn thế giới, theo ông Nguyễn Dũng-Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Trưởng văn phòng Đại diện khu vực Miền Trung-Tây Nguyên cho rằng: “Một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là sớm củng cố kiện toàn, thành lập các hiệp hội, hợp tác xã ngành hàng như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, yến sào, mắc ca, dược liệu... gắn với các tổ chức nông hội để kết nối sản xuất với thị trường, duy trì các sản phẩm OCOP với diện tích, sản lượng ổn định, ký kết các hợp đồng cung ứng với số lượng lớn.
Thông qua các tổ chức này sẽ truyền tải được các thông tin đến các cở sở sản xuất, người sản xuất, chuyển giao công nghệ, phương pháp canh tác, thực hiện tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký cấp mã vùng trồng, mã định danh… để hàng hóa sản xuất ra và giao thương được thuận lợi, không bị rủi ro, thiệt hại”.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do, nông sản Việt Nam đã tiếp cận được hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đặt ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu. Đặc biệt, trong năm 2023, Việt Nam đã ký 5 nghị định thư xuất khẩu chính ngạch chanh dây, sầu riêng, măng cụt, tổ yến sào và chuối sang thị trường Trung Quốc.
Sau 5 năm đàm phán, ngày 16-11-2023, sản phẩm tổ yến Việt Nam đầu tiên đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, yến sào là một trong những mặt hàng đang khá phát triển trên địa bàn tỉnh Gia Lai với hơn 1.100 nhà nuôi yến.
Bà Trần Thị Lợi-Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Yến Xuân Cao Nguyên (181 Lê Duẩn, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Bên cạnh nhu cầu được các đơn vị có liên quan hỗ trợ kiến thức, kỹ năng bán hàng bằng phương thức thương mại điện tử thì chúng tôi cũng mong muốn được kết nối thị trường. Việc thành lập hiệp hội yến sào chính là một trong những giải pháp tôi cho là hiệu quả”.
Thực tế tại các địa phương khác cho thấy, các hiệp hội ngành hàng đã tạo được tiếng nói chung về một lĩnh vực riêng, cùng nhau thúc đẩy ngành hàng của mình phát triển. Qua đó, không chỉ có đủ lượng hàng xuất khẩu mà còn tránh được nạn hàng giả, hàng nhái, gây ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp.
“Ngoài cà phê, hồ tiêu, yến sào... thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ, lâm sản cũng nên thành lập hiệp hội, vì đây cũng là một trong những thế mạnh của Gia Lai”-ông Nguyễn Tuấn đề xuất.