Thành lập HTX trồng nấm, 'bắt tay' với nông dân làm giàu

Anh Nguyễn Quốc Huy ở thị trấn Hợp Châu (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) vốn là một nông dân chăm chỉ, luôn mong muốn phát triển kinh tế và có khát vọng xây dựng thương hiệu nấm mang đặc trưng của quê hương. Năm 2009, anh thành lập HTX, 'bắt tay' liên kết với bà con nông dân trồng nấm, cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu.

Đến nay, sau gần 15 năm thành lập, dưới sự dẫn dắt của vị 'thuyền trưởng' Nguyễn Quốc Huy, HTX Nấm Tam Đảo dần xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng cho huyện Tam Đảo.

Áp dụng công nghệ vào trồng nấm

Tam Đảo là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, với nền khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng, phù hợp phát triển nhiều loại nông sản đặc thù. Tháng 4/2009 anh nông dân Nguyễn Quốc Huy, quê gốc thị trấn Hợp Châu đã mạnh dạn thành lập HTX Nấm Tam Đảo với các sản phẩm chính là nấm ăn, nấm sò, nấm bào ngư, nấm rơm, nấm linh chi và nấm dược liệu.

HTX Nấm Tam Đảo xây dựng được thương hiệu, tiếng vang lớn, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng cho huyện Tam Đảo.

HTX Nấm Tam Đảo xây dựng được thương hiệu, tiếng vang lớn, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng cho huyện Tam Đảo.

Với quyết tâm phát huy, tận dụng tiềm năng lớn của vùng đất quê hương, đa dạng hóa sản phẩm, mở ra cơ hội thoát nghèo cùng người dân địa phương, HTX đã mạnh dạn thử nghiệm nuôi trồng đông trùng hạ thảo.

“Tôi đã tìm đến các cơ sở nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo ở cả trong Nam và ngoài Bắc để học hỏi cách làm. Mọi thứ mới bắt đầu không hề dễ dàng, sau nhiều lần thất bại tôi đã nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo trên mảnh đất quê hương với những quy trình kỹ thuật chặt chẽ”, anh Huy tâm sự.

Quy trình làm ra nấm đông trùng hạ thảo khá phức tạp, đòi hỏi phải có sự đầu tư kỹ lưỡng. Với diện tích sản xuất 2,5 ha trồng nấm sò trái vụ và đông trùng hạ thảo, HTX đã đầu tư hệ thống phòng lạnh công nghiệp, kho lạnh bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, hệ thống phòng nhân giống, cấy mô cùng dây chuyền máy đóng bịch, nồi hơi hấp thanh trùng… để sản xuất sản phẩm nấm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 20 HTX. Tỷ lệ HTX hoạt động khá tốt từ 60% trở lên. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX đạt khoảng 85 triệu đồng/người/năm.

Hiện tại, HTX Nấm Tam Đảo luôn đổi mới trong khâu sản xuất, nuôi trồng nấm. Ví dụ như với nấm Bào Ngư, trước đây sản xuất và tiêu thụ theo cách truyền thống thì nay HTX đã áp dụng nuôi trồng trong phòng lạnh vào mùa Hè, với điều kiện nhiệt độ phù hợp để nấm phát triển cho năng xuất và chất lượng cao hơn. Ngoài ra, HTX Nấm Tam Đảo đang hợp tác nghiên cứu với Viện Sinh học Đề tài chế biến bã thải từ trồng nấm thành phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng. Đây sẽ là chuỗi khép kín cho quy trình sản xuất của HTX.

Trở thành sản phẩm mang đặc trưng khu du lịch

Bên cạnh việc tập trung trồng và chăm sóc các loại nấm có giá trị kinh tế cao, cũng như cung ứng giống nấm, nguyên liệu trồng nấm cho các hộ thành viên, HTX Nấm Tam Đảo đang tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm nấm mang thương hiệu Tam Đảo vào hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Việc thành lập HTX đã tạo điều kiện để anh Huy liên kết với bà con nông dân trên địa bàn các huyện Tam Đảo, Bình Xuyên, Lập Thạch... quy mô 400 tấn nấm tươi/năm. Qua đó, cung cấp phôi giống, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm và bao tiêu luôn sản phẩm cho bà con, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững.

Đến nay, HTX có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Đầu năm nay, HTX cho ra mắt 2 sản phẩm mới là Giải độc gan Tam Đảo trùng thảo và sản phẩm gói mật ong Đông trùng hạ thảo. Theo đó đã đưa tổng số lượng sản phẩm của HTX lên 15 sản phẩm và sẽ là tiền đề để HTX phát triển mạnh hơn nữa. Không dừng lại ở đó, HTX luôn chú trọng xây dựng thương hiệu đặc trưng, tiêu biểu riêng của huyện Tam Đảo.

Anh Nguyễn Quốc Huy cho biết, hiện nay Tam Đảo là địa danh du lịch nổi tiếng được du khách trong nước và trên thế giới yêu thích, đây là lợi thế lớn để HTX xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho mình, từ đó việc phát triển thị trường và tiêu thụ hàng hóa thuận lợi. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường 350 tấn nấm, lợi nhuận đạt trên 700 triệu đồng, đem lại thu nhập ổn định cho 20 hộ thành viên.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo cho biết, đối với mô hình trồng nấm của HTX Nấm Tam Đảo đang mang lại giá trị kinh tế cao nhờ việc xây dựng được thị trường tiêu thụ khắp cả nước. Hiện nay địa phương đưa ra kế hoạch nhân rộng mô hình của HTX Nấm Tam Đảo đến với bà con trong huyện.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/thanh-lap-htx-trong-nam-bat-tay-voi-nong-dan-lam-giau-1093094.html