Thành lập Sở Giao dịch hàng hóa cần những điều kiện gì?

Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 51/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đề xuất quy định về thành lập Sở giao dịch hàng hóa.

Hình thức tổ chức của Sở giao dịch hàng hóa

Dự thảo Nghị định nêu rõ, Sở giao dịch hàng hóa được thành lập theo một trong các hình thức tổ chức sau:

Công ty cổ phần có các cổ đông sáng lập là pháp nhân hoặc cá nhân được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 09 Nghị định này (Điều kiện thành lập Sở giao dịch hàng hóa) (*).

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong đó các thành viên là các thương nhân đủ điều kiện hoạt động kinh doanh hàng hóa tương lai (**).

Điều kiện thành lập Sở giao dịch hàng hóa

Theo dự thảo Nghị định, Sở giao dịch hàng hóa được xem xét thành lập nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1- Vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu hoặc vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

2- Ký quỹ hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa: 10% vốn điều lệ.

3- Chủ sở hữu của Sở giao dịch hàng hóa được thành lập theo hình thức tổ chức quy định tại khoản (*) nêu trên thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Cổ đông sáng lập là pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam, đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn, không nắm giữ cổ phần của Sở giao dịch hàng hóa khác trong vòng 03 năm gần nhất, đáp ứng các điều kiện tại khoản 4.

b) Cổ đông sáng lập là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn, không nắm giữ cổ phần của Sở giao dịch hàng hóa khác trong vòng 03 năm gần nhất, đáp ứng các điều kiện tại điểm c khoản 6.

4- Cổ đông sáng lập của Sở giao dịch hàng hóa được thành lập theo hình thức tổ chức quy định tại khoản (*) nêu trên là doanh nghiệp thì phải đáp ứng các điều kiện như sau:

- Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.

- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

- Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng trong 05 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

- Hoạt động kinh doanh có lãi trong 02 năm liền trước năm đề nghị cấp giấy phép;

- Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất phải được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần. Trường hợp là doanh nghiệp nhà nước, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn thành lập theo quy định của pháp luật.

5- Chủ sở hữu của Sở giao dịch hàng hóa được thành lập theo hình thức tổ chức quy định tại khoản (**) nêu trên là các thương nhân đủ điều kiện kinh doanh hàng hóa tương lai theo quy định tại Điều 35 của Nghị định này (Đăng ký hoạt động kinh doanh hàng hóa tương lai).

6- Người quản lý (thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên), người điều hành (Tổng giám đốc hoặc Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (hoặc Phó giám đốc), thành viên ban kiểm soát phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

a) Có bằng đại học trở lên;

b) Có ít nhất 03 năm là người quản lý, điều hành của doanh nghiệp hoạt động trong ngành về kinh tế, luật, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin hoặc của doanh nghiệp khác có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng vốn điều lệ hoặc có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp tại bộ phận nghiệp vụ về xuất nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán;

c) Không thuộc một trong số trường hợp sau đây:

- Đã từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa do nguyên nhân vi phạm trong hoạt động;

- Người thuộc đối tượng không được tham gia quản lý, điều hành theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

- Người đã từng là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Tổng Giám đốc (hoặc Giám đốc), thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp, Chủ nhiệm và các thành viên Ban quản trị hợp tác xã tại thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản, trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản vì lý do bất khả kháng;

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại thời điểm doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động, bị buộc giải thể do vi phạm pháp luật nghiêm trọng;

- Người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) không được là thành viên Ban kiểm soát của cùng Sở giao dịch hàng hóa;

- Người có liên quan của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên không được là Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) của cùng Sở giao dịch hàng hóa.

7- Điều lệ hoạt động phải phù hợp với quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8- Đề án thành lập, phương án hoạt động và phương án kinh doanh có cơ sở đảm bảo tính khả thi, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa, an ninh kinh tế, mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến các thành phần của chỉ số giá tiêu dùng; không tạo ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ tạo ra vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hàng hóa và các thị trường liên quan.

9- Có hệ thống thông tin đáp ứng các yêu cầu về giải pháp công nghệ và kỹ thuật trong hoạt động sở giao dịch hàng hóa, tuân thủ quy định pháp luật về giao dịch điện tử, an toàn thông tin mạng ở cấp độ phù hợp theo quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, đảm bảo kết nối thông suốt với hệ thống quản lý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Hiển

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/thanh-lap-so-giao-dich-hang-hoa-can-nhung-dieu-kien-gi-102240614161051111.htm