Thành lập Thành phố Thủ Đức là dịp để chọn lọc cán bộ
Về tổng thể, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thành phố Thủ Đức sẽ phát triển vừa giao thông lớn, vừa giao thông ngắn hạn; quy hoạch khoảng cách nơi ở - nơi làm việc - nơi giải trí ngắn lại. Cùng với đó, phát triển đồng bộ trường học và các cơ sở y tế.
Ngày 21-11, Tổ đại biểu (ĐB) Quốc hội TPHCM gồm các ĐB: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TPHCM, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công theo dõi chỉ đạo Đảng bộ TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 9 và quận 12 sau kỳ họp lần thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
Phân công trách nhiệm cho từng đại biểu
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Ba (phường Tăng Nhơn Phú B) đánh giá việc TPHCM thành lập Thành phố Thủ Đức sẽ tạo niềm tin, động lực cho quá trình phát triển mọi mặt của quận 2, 9, Thủ Đức. Song, để Thành phố Thủ Đức được như kỳ vọng, cử tri mong muốn lãnh đạo thành phố cần đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, quan tâm đời sống của người dân và chỉnh trang đô thị của Thành phố Thủ Đức.
Băn khoăn về khoảng cách khi đi giải quyết thủ tục hành chính, cử tri Lương Minh Phụng (phường Trường Thạnh) cho rằng, khi thành lập Thành phố Thủ Đức, cần chọn đặt vị trí trụ sở của thành phố này sao cho thành một mối liên kết để thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Cử tri Đặng Thị Hà (phường Tân Phú) băn khoăn chất lượng các dịch vụ hành chính công sau khi sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức. Theo bà Hà, thực tế hiện nay, dù thành phố có cơ chế một cửa, song việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, quy hoạch, tranh chấp vẫn còn chậm. Qua đó, bà Hà băn khoăn, khi thành lập Thành phố Thủ Đức, số lượng cán bộ giảm chỉ còn 1/3 so với hiện nay thì liệu thủ tục hành chính có được giải quyết nhanh hơn không? Bên cạnh đó, cử tri Đặng Thị Hà cũng trăn trở khi thành phố không tổ chức HĐND quận, phường sẽ tạo áp lực lên MTTQ các cấp và lực lượng này có đủ sức giải quyết nhanh, gọn các nhiệm vụ.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Thị Dung (phường Tăng Nhơn Phú A) cho rằng, khi bỏ HĐND quận, phường thì trách nhiệm giám sát do đại biểu HĐND TP và đại biểu Quốc hội đảm đương. Do đó, bà Dung đề nghị cách thức làm việc của cơ quan dân cử phải có sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng đại biểu.
Thành phố Thủ Đức sẽ có hệ thống giao thông tốt nhất
Thay mặt tổ ĐB, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, môi trường là tiêu chí quan trọng khi thành lập Thành phố Thủ Đức. Trên cơ sở kết quả đạt được từ Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, đồng chí đề nghị các quận sẽ tiếp tục duy trì và phát huy.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, ngoài nội dung “thành phố sạch”, năm 2021 TPHCM sẽ có thêm nội dung “thành phố xanh” với những tiêu chí cụ thể, trong đó quan tâm đến việc trồng thêm cây xanh ở những vị trí phù hợp. Thành phố cũng sẽ có kế hoạch trồng cây xanh trong 5 năm tới, trong đó ưu tiên cho Thành phố Thủ Đức để nơi đây sớm trở thành một thành phố xanh.
Về đầu tư hạ tầng cho Thành phố Thủ Đức, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, thành phố sẽ tập trung triển khai nội dung này nhưng không theo quy hoạch cũ. Theo đồng chí, vừa qua thành phố tổ chức thi tuyển quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM”. Trong đó, hệ thống giao thông được rà soát lại, có cập nhật để trở thành nơi có hệ thống giao thông thuận tiện nhất TPHCM.
“Tinh thần là Thành phố Thủ Đức tương lai sẽ là nơi có hệ thống giao thông tốt nhất thành phố”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và dẫn chứng, Thành phố Thủ Đức có cảng vận tải hàng hóa lớn nhất phía Nam, có tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, có sân bay ở cả 2 phía (gồm sân bay Tân Sơn Nhất của TPHCM và sân bay Long Thành của Đồng Nai khi hoàn thành). Cũng theo đồng chí, giao thông ở Thành phố Thủ Đức sẽ có những đoạn đường được sử dụng để thí nghiệm xe không người lái thuộc kế hoạch của Khu đô thị tương tác cao phía Đông. Về tổng thể, đồng chí cho biết, Thành phố Thủ Đức sẽ phát triển vừa giao thông lớn, vừa giao thông ngắn hạn; quy hoạch khoảng cách nơi ở - nơi làm việc - nơi giải trí ngắn lại. Cùng với đó, phát triển đồng bộ trường học và các cơ sở y tế.
Thông tin về tiến độ thành lập Thành phố Thủ Đức, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dự kiến giữa tháng 12-2020, Thường vụ Quốc hội sẽ họp. Nếu đề án thành lập Thành phố Thủ Đức được thông qua, thành phố sẽ có nghị quyết về vấn đề này với kế hoạch từng bước cụ thể để tháng 7-2021 triển khai. Theo đó, thành phố sẽ có lộ trình giải quyết vấn đề về trụ sở các cơ quan hành chính, về cán bộ dôi dư sau sáp nhập để thành lập Thành phố Thủ Đức. “Đây cũng là dịp để chọn lọc cán bộ, để bộ máy chính quyền Thành phố Thủ Đức mạnh, có năng lực tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu sắp tới”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Liên quan đến ý kiến thực hiện chính quyền đô thị không tổ chức HĐND quận, phường liệu có ảnh hưởng quyền dân chủ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố đã thí điểm mô hình này từ năm 2009 đến 2016 và có nhiều cơ chế cho nhân dân phản ánh. Trong khi đó, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết tăng số đại biểu HĐND TP chuyên trách để tăng cường giám sát. Ngoài ra, chương trình giám sát của HĐND TP sẽ kết hợp với giám sát của MTTQ, kết hợp với công tác kiểm tra của Đảng, của thanh tra thành phố. Qua đó, người dân có quyền phản ánh trực tiếp thông qua hệ thống tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân ở các quận, huyện.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, bỏ HĐND quận, phường sẽ giúp chính quyền giải quyết nhanh hơn, tốt hơn khi giảm bớt được nhiều công đoạn và thúc đẩy quá trình giám sát. Đơn cử, trước đây, ngân sách phải thông qua HĐND quận, phường thì giờ chỉ cần HĐND TP quyết một lần là địa phương có thể thực hiện ngay.
Tại buổi tiếp xúc, giải đáp thắc mắc của cử tri về dự án Khu Công nghệ cao thành phố, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy thông tin, bên cạnh những thành công khi triển khai dự án Khu Công nghệ cao cũng còn một số thiếu sót. Do đó đã dẫn đến khiếu nại, tố cáo của một số hộ dân có đất thuộc diện thu hồi. Hiện Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra, đã công bố, công khai cho các hộ dân. Trên cơ sở đó, TPHCM đã nỗ lực triển khai kết luận thanh tra và kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Đến nay, quận 9 đã triển khai chính sách chuyển tiền hỗ trợ bổ sung cho hơn 90% các hộ dân có đất trong khu 41 ha. Số còn lại do vướng mắc về pháp lý, quận đang xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, cố gắng giải quyết dứt điểm trong tháng 12-2020.
Riêng 49 trường hợp đặc thù được đề cập trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong đó yêu cầu UBND TPHCM rà soát, xem xét chính sách đặc thù để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và các hộ trên. Hiện thành phố đã ban hành các quyết định bổ sung chính sách bán nền tái định cư theo giá tái định cư thời điểm triển khai dự án (1 triệu đồng/m²). Quận cũng đã tổ chức bốc thăm chọn nền để giao nền cho các hộ dân và tiến tới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân.
Giải quyết ngay các phản ánh của cử tri
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 12 vào chiều cùng ngày, nhiều cử tri phản ánh về tình hình quy hoạch treo, trật tự đô thị, giao thông, vệ sinh môi trường... nhiều năm qua còn có những bất cập; chính quyền chậm giải quyết những bức xúc của người dân, dù đã được kiến nghị nhiều lần.
Cử tri Nguyễn Hữu Chính (phường Hiệp Thành) đại diện 40 hộ dân trong vùng quy hoạch trên địa bàn nêu thực tế về các dự án đã hơn 10 năm nay không được triển khai, dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép tràn lan. Tương tự, cử tri Lê Phùng Thuận chỉ đích danh việc quy hoạch treo tại dự án 38ha Tân Thới Nhất, đã gần 20 năm nhưng chưa thực hiện, gây khó khăn cho hàng trăm hộ dân. Cử tri cũng phản ánh về sự chậm trễ trong thực hiện các dự án trên địa bàn, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trong đó, điển hình là tuyến đường Tân Thới Hiệp 21 dài hơn 2km, nhiều năm nay lầy lội, đi lại khó khăn, ô nhiễm môi trường, người dân kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được trả lời rõ...
Thay mặt các ĐBQH, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và có phần bức xúc của nhiều cử tri khi phản ánh cụ thể về một loạt vấn đề tồn tại trên địa bàn quận 12.
Trước những vụ việc cụ thể được nêu lên trong buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo quận 12 đến ngày 30-11 phải có văn bản báo cáo từng vụ việc gửi về Thường trực Thành ủy, đoàn ĐBQH và công khai trả lời cho người dân biết. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, những vụ việc mà cử tri nêu trong buổi tiếp xúc nếu thuộc phạm vi của quận 12 thì quận phải giải quyết ngay, hạn chót đến hết tháng 12 phải xong. Về vệ sinh môi trường, người dân phản ánh nhiều nơi còn ô nhiễm nhưng quận báo cáo 11/11 phường đạt tiêu chí xanh, sạch, đẹp, đề nghị MTTQ thực hiện việc giám sát, đánh giá lại thực chất về kết quả thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU trên địa bàn quận.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thanh-lap-thanh-pho-thu-duc-la-dip-de-chon-loc-can-bo-698898.html