Thành lập Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam, Nhóm nữ ĐBQH và Nhóm ĐBQH trẻ
Chiều tối 8/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam, Nhóm nữ ĐBQH và Nhóm ĐBQH trẻ.
Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch; Phó Chủ tịch là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Tổng thư ký là Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà.
Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội là Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và các Phó Chủ tịch gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (thường trực); Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Đào Hồng Lan; Phó bí thư Trường trực, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh.
Nhóm ĐBQH trẻ bao gồm các thành viên là các đại biểu từ 45 tuổi trở xuống. Chủ tịch nhóm là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn và các Phó Chủ tịch gồm: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ (thường trực); Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Phương Lan; Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú; Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội sẽ ngày càng được nâng tầm
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đến nay, Quốc hội Việt Nam đã thiết lập quan hệ với khoảng 180 nghị viện các nước trên thế giới và nhiều tổ chức nghị viện quốc tế, khu vực. Công tác đối ngoại là một mảng công việc rất quan trọng của Quốc hội, được tiến hành đồng thời, gắn bó chặt chẽ với công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và giao lưu nhân dân.
Thời gian qua, lãnh đạo Quốc hội đã tiến hành nhiều cuộc hội đàm, điện đàm trực tuyến, trực tiếp; gặp mặt trực tiếp bên lề các hội nghị quốc tế. Các nghị viện trên thế giới đều bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị với Quốc hội Việt Nam cũng như các nhóm nghị sĩ hữu nghị giữa hai nước.
Trong chuyến công tác tại châu Âu và tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5), Chủ tịch Quốc hội đã tiếp xúc bên lề hội nghị với Chủ tịch và Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).
Chủ tịch và Tổng thư ký IPU đề nghị Việt Nam đăng cai tổ chức một số diễn đàn, như diễn đàn nghị sĩ trẻ thế giới, diễn đàn nữ nghị sĩ thế giới… Họ tin với vị thế của Việt Nam, với khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế và với tính hấp dẫn của Việt Nam trên mọi phương diện, chắc chắn Việt Nam sẽ tổ chức thành công rất tốt đẹp các diễn đàn như vậy.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hoạt động đối ngoại của Quốc hội sẽ ngày càng được nâng tầm. Với việc thiết lập quan hệ với các nghị viện trên thế giới và là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn nghị viện thế giới và khu vực, Quốc hội Việt Nam ngày càng có thể tham gia sâu rộng hơn vào các cơ chế nghị viện đa phương khu vực và quốc tế, đa dạng hóa và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với nghị viện các nước.
Ngoại giao nghị viện đã và tiếp tục trở thành kênh quan trọng, đóng góp hiệu quả vào hoạch định và thực thi chính sách, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, các hoạt động tiếp xúc song phương với các nhóm đối tác, cơ quan đại diện ngoại giao, các nghị sĩ, chính giới của nước bạn, các nhóm nghị sĩ hữu nghị sẽ đóng vai trò là cầu nối tích cực trong quan hệ hợp tác nghị viện.
Chủ tịch Quốc hội cũng tin tưởng và mong rằng, các đại biểu được tham gia các nhóm nghị sĩ hữu nghị, Nhóm nữ ĐBQH và Nhóm ĐBQH trẻ của Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, tham gia tích cực và hoàn thành tốt nhiệm vụ ngoại giao nghị viện, đóng góp hiệu quả vào các hoạt động của Quốc hội, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.