Thành lập tổ chuyên môn gồm 30 chuyên gia đầu ngành y tế hội chẩn, điều trị cho bác gái của bệnh nhân 17

Về 2 trường hợp nặng đang điều trị do nhiễm COVID-19, một trong 2 trường hợp này do tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh nên hội đồng chuyên môn cấp Bộ Y tế và tổ hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng- Bộ Y tế đã thống nhất chỉ định can thiệp ECMO.

Chiều ngày 21/3, Bộ Y tế công bố ca bệnh mắc COVID-19 thứ 92 tại Việt Nam là du học sinh trở về từ Pháp. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 92 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 17 ca điều trị khỏi (16 ca đã ra viện, 1 trường hợp là bệnh nhân thứ 18 đã 3 lần xét nghiệm âm tính, không còn ho, sốt, hoàn toàn khỏe mạnh và đã được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Ninh Bình sang Bệnh viện đa khoa Thái Bình theo dõi sức khỏe).

Ảnh minh họa.

Hiện 2 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Đó là bệnh nhân L.T.H. (64 tuổi, ca số 19) và du khách người Anh (ca số 26, 69 tuổi).

Theo đó, một trong 2 trường hợp này do tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh nên hội đồng chuyên môn cấp Bộ Y tế và tổ hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng- Bộ Y tế đã thống nhất chỉ định can thiệp ECMO. Bộ Y tế đã liên tục tổ chức hội chẩn chuyên môn gồm các chuyên gia hàng đầu về hồi sức, hô hấp, tim mạch… Bộ Y tế cũng đã thành lập tổ Hội chẩn chuyên môn gồm 30 chuyên gia đầu ngành để sẵn sàng hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn đối với các trường hợp ca bệnh nặng.

Chỉ định can thiệp ECMO - trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal membrane oxygenation) hay hỗ trợ sự sống ngoài cơ thể (extracorporeal life support (ECLS). Đây là phương pháp hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp khi tim hoặc phổi hay cả hai không thể hoạt động bình thường. Phương pháp này giúp thay thế tim hoặc phổi hay cả hai trong thời gian ngắn.

Trẻ em là đối tượng được sử dụng chủ yếu phương pháp ECMO. Tuy nhiên, khi người trưởng thành bị suy tim, suy hô hấp thì vẫn có thể dùng phương pháp này như bình thường. ECMO đảm bảo cho bệnh nhân có đủ oxy. Phương pháp này không chữa lành bệnh tim hoặc phổi nhưng giúp người bệnh vượt qua nguy kịch, kết hợp chữa trị nguyên nhân chờ thời gian hồi phục. Đồng thời ECMO có thể giảm bớt các loại thuốc hỗ trợ tim, giảm bớt hỗ trợ máy thở để giảm nguy cơ tổn thương do máy thở.

Bệnh nhân được chỉ định can thiệp ECMO khi phổi không đủ khả năng cung cấp oxy cho cơ thể ngay cả khi đã cho hỗ trợ thở máy oxy; phổi không thể thải trừ carbon dioxide ngay cả khi đã có sự hỗ trợ từ máy thở; hoạt động bơm của tim không đủ cung cấp máu cho cơ thể hoặc cũng có thể chỉ định áp dụng cho những trường hợp bệnh lý về tim phổi đang trong thời gian chờ nội tạng được cấy ghép.

Nguyên lý của phương pháp ECMO là máu được lấy ra khỏi bệnh nhân từ tĩnh mạch hoặc động mạch, sau đó được qua máy ECMO. Tại đây, máu sẽ được cung cấp oxy qua một màng đặc biệt. Sau đó, máu giàu oxy sẽ được đưa trở lại bệnh nhân, có sử dụng áp lực bơm hỗ trợ để tạo huyết áp hoặc không tùy vào tổn thương phổi hay tim và đường vào bệnh nhân có thể là động mạch hoặc tĩnh mạch tùy trường hợp. Nói chung, ECMO được dùng để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh lý nặng, có nguy cơ ngừng hô hấp hoặc ngừng tuần hoàn, đe dọa đến tính mạng.

Định Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/tin-nong/thanh-lap-to-chuyen-mon-gom-30-chuyen-gia-dau-nganh-y-te-hoi-chan-can-thiep-dieu-tri-cho-bac-gai-cua-benh-nhan-17-7206029.html