Thành lập trường học cần điều kiện gì?
Hiện, nhiều mô hình trường học được lập ra nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh, vậy điều kiện thành lập trường gồm những gì?
Để đảm bảo chất lượng giảng dạy tại cơ sở giáo dục, các cơ quan liên quan đặt ra điều kiện hoạt động giáo dục cụ thể với trường học trong nước.
Theo quy định Luật Giáo dục 2019, nhà trường được phép hoạt động giáo dục khi có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động giáo dục; địa điểm xây dựng trường bảo đảm môi trường giáo dục, an toàn cho người học, người dạy và người lao động.

Các trường học cần đáp ứng đủ điều kiện hoạt động. (Ảnh minh họa)
Có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định phù hợp với mỗi cấp học, trình độ đào tạo; có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục;
Đồng thời, nhà trường phải đáp ứng đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục; có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
Trong thời hạn quy định, nếu nhà trường có đủ các điều kiện nêu trên thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục và khi hết thời hạn quy định, nếu không đủ điều kiện nêu trên thì bị thu hồi quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập.
Điều kiện thành lập trường
Căn cứ quy định tại Điều 49 Luật Giáo dục 2019, nhà trường được thành lập khi có đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo quy định của Luật Quy hoạch.
Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.
Có 3 loại hình trường học, bao gồm: trường dân lập, trường công lập và trường tư thục. Trong đó, trường công lập là trường do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu;
Trường dân lập là trường do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động. Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non;
Tương tự, trường tư thục là trường do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Theo quy định, các trường học chỉ được phép chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
Thực hiện quy định của điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của loại hình nhà trường ở mỗi cấp học, trình độ đào tạo;
Bảo đảm quyền của giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động và người học;
Không làm thất thoát đất đai, vốn và tài sản.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thanh-lap-truong-hoc-can-dieu-kien-gi-ar940547.html