Thanh Liêm đẩy mạnh xây dựng, phát triển chính quyền số

Xây dựng, phát triển chính quyền số được huyện Thanh Liêm xác định là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số ở địa phương. Thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ... Qua đó, góp phần từng bước đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện chuyển đổi số ở Thanh Liêm được xác định với 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, chính quyền số được coi là trụ cột ưu tiên hàng đầu để thực hiện sứ mệnh dẫn dắt kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ở địa phương. Chính quyền số là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng của CNTT. Chính vì vậy, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước ở huyện được quan tâm và đẩy mạnh.

Cán bộ Bộ phận “một cửa” xã Thanh Hải (Thanh Liêm) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Cán bộ Bộ phận “một cửa” xã Thanh Hải (Thanh Liêm) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Theo đó, huyện đã tập trung triển khai số hóa dữ liệu phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước bảo đảm tập trung, thông suốt; bảo đảm hoạt động lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền thực hiện trên môi trường số; đẩy mạnh họp trực tuyến, ký số... nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính của địa phương. Triển khai hệ thống phòng họp không giấy tại trụ sở UBND huyện, năm 2023, UBND huyện đã đầu tư 100% máy tính bảng cho lãnh đạo trưởng các phòng, ban ngành của huyện phục vụ cho việc thực hiện phòng họp không giấy.

Đến nay, 100% các cuộc họp của UBND huyện đều thực hiện phòng họp không giấy. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai bảo đảm liên thông được 4 cấp chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, trung ương. Phần mềm đã được tích hợp chữ ký số. 100% các phòng, ban, UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong huyện, liên thông với các bộ, ngành trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia.

Cùng với đó, đề nghị tạo hộp thư điện tử cho 100% cán bộ, công chức từ cấp huyện, cấp xã. Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp huyện thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc là 95%. Hiện tại, lịch công tác của cơ quan, đơn vị, của cán bộ, công chức được cập nhật thường xuyên trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành và trên cổng thông tin điện tử của UBND huyện, bảo đảm 100% các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn cập nhật lịch công tác tuần trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành.

Triển khai Hệ thống hội nghị truyền hình, Thanh Liêm đã trang bị phòng họp trực tuyến từ UBND huyện với UBND tỉnh; UBND huyện với UBND cấp xã (tổng số 17 điểm cầu), có kết nối với Chính phủ. Hệ thống hội nghị truyền hình hoạt động thường xuyên kết nối 2 chiều từ Chính phủ về cấp xã, mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, huyện đã triển khai đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát môi trường tại các bãi rác tập trung trên địa bàn huyện. Đến nay đã có 10/16 xã, thị trấn lắp hệ thống camera giám sát môi trường tại các bãi rác. Đồng thời, triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh tại trụ sở UBND các xã, thị trấn và lắp đặt các cụm camera an ninh phục vụ giám sát an ninh, trật tự, giám sát giao thông trên địa bàn toàn huyện. Hằng năm, UBND huyện đều xây dựng, ban hành kế hoạch chuyển đổi số, báo cáo kết quả chuyển đổi số làm cơ sở cho việc nhận biết thúc đẩy các hoạt động ứng dụng CNTT của cơ quan, đơn vị.

Việc áp dụng, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001- 2008; 9001- 2015 trong hoạt động cơ quan nhà nước tiếp tục được duy trì. UBND huyện ban hành các văn bản, Kế hoạch về duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn huyện. Thông qua đó đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc giải quyết hồ sơ theo cơ chế "một cửa". Nhờ đó việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính được nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng kịp thời nguyện vọng giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân.

Việc tiếp nhận, xử lý, kiểm duyệt và cung cấp thông tin trên Cổng Thông tin điện tử của UBND huyện cũng được thực hiện theo đúng các quy định tại Quy chế quản lý, cung cấp và khai thác thông tin, dịch vụ trên cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam và tại Nghị định 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, trang Thông tin điện tử huyện đã cập nhật khá đầy đủ thông tin; văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của UBND huyện; cung cấp thông tin hữu ích phục vụ người dân và doanh nghiệp; trả lời kịp thời câu hỏi thắc mắc của người dân và doanh nghiệp. Nhiều chuyên mục trên cổng đã được thiết kế, tạo lập và cập nhật thông tin. Hiện có 8/16 xã xây dựng Cổng thông tin điện tử của xã. Các cổng thành phần của UBND các xã, thị trấn đã tạo đủ các mục thông tin chủ yếu theo quy định. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính huyện cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình và cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của huyện; công khai toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính huyện Thanh Liêm cung cấp tổng số 311 bộ thủ tục hành chính.

Trong năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (chỉ tính số thủ tục hành chính có hồ sơ của tổ chức, cá nhân trong năm): Tiếp nhận tổng số: 20.956; trong đó hồ sơ nộp trực tuyến là 20.429 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 97,4%. Tỷ lệ thủ tục hành chính được triển khai thanh toán trực tuyến 100%. Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến: 13.092/20.429, đạt 64%; Số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính 100% (tất cả hồ sơ bao gồm: nộp qua mạng và nộp trực tiếp đều phải số hóa để trả kết quả).

Có thể thấy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương nỗ lực triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Cụ thể, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, huyện đã quan tâm đầu tư kinh phí để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, tạo nền tảng xây dựng chính quyền số, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của tỉnh. Những kết quả tích cực trong xây dựng, phát triển chính quyền số đã góp phần đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tiếp tục xây dựng, phát triển chính quyền số, Thanh Liêm chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về chuyển đổi số; phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Cùng với đó, phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc triển khai chính quyền số; hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ ứng dụng CNTT với cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thu Thảo

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/cai-cach-hanh-chinh/thanh-liem-day-manh-xay-dung-phat-trien-chinh-quyen-so-123743.html