Thanh Liêm hướng tới mở rộng liên kết sản xuất, chế biến cây dược liệu

Hiện nay, Công ty cổ phần Dược Thanh Liêm Medipharma đang tập trung phát triển các sản phẩm đông dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong số hơn 10 sản phẩm của doanh nghiệp, có đến 4 sản phẩm được sử dụng toàn bộ hoặc một phần từ các cây dược liệu trồng trên địa bàn huyện, gồm: Magakid (hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc), hẹ - húng chanh – mật ong, siro chỉ khái lộ và trà kim ngân hoa. Những cây dược liệu phục vụ chế biến đều được doanh nghiệp liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm với người dân.

Hiện nay, Công ty cổ phần Dược Thanh Liêm Medipharma đang tập trung phát triển các sản phẩm đông dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong số hơn 10 sản phẩm của doanh nghiệp, có đến 4 sản phẩm được sử dụng toàn bộ hoặc một phần từ các cây dược liệu trồng trên địa bàn huyện, gồm: Magakid (hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc), hẹ - húng chanh – mật ong, siro chỉ khái lộ và trà kim ngân hoa. Những cây dược liệu phục vụ chế biến đều được doanh nghiệp liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm với người dân.

Sản phẩm đông dược của Công ty cổ phần Dược Thanh Liêm Medipharma sản xuất từ cây dược liệu trồng tại địa phương. Ảnh M Hùng

Được biết, gần 5 năm nay Công ty cổ phần Dược Thanh Liêm Medipharma đã liên kết với người dân xã Thanh Tâm (Thanh Liêm) sản xuất 5 ha cây dược liệu, gồm: 2,5 ha cây bạch chỉ và 2,5 ha cây kim ngân. Doanh nghiệp hỗ trợ người dân một phần kinh phí giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Hiện nay, xã Thanh Tâm đã trở thành một trong những vùng nguyên liệu chính của công ty. Trong năm 2022, doanh nghiệp tiếp tục liên kết với người dân thôn Động Đình, xã Thanh Tân (Thanh Liêm) sản xuất 5 ha cây mạch môn. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Dược Thanh Liêm Medipharma, vùng trồng cây kim ngân tại xã Thanh Tâm là một trong những vùng sản xuất lớn đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới tính chung trong cả nước. Ông Bùi Ngọc Hoàn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Dược Thanh Liêm Medipharma cho biết: Lượng nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm đông dược và thực phẩm bảo vệ sức khỏe của công ty rất lớn. Hiện nay, nhiều loại nguyên liệu vẫn phải nhập từ các tỉnh khác, giá thành cao do chi phí vận chuyển xa và thiếu chủ động sản xuất. Đơn vị đang tính toán tiếp tục xây dựng thêm những vùng liên kết sản xuất cây dược liệu tại các địa phương trong huyện.

Những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Thanh Liêm đã liên kết với một số doanh nghiệp sản xuất cây dược liệu với tổng diện tích 15,5 ha. Những loại cây dược liệu được lựa chọn khá đa dạng, như: Cà gai leo, bạch chỉ, kim ngân, cỏ ngọt, hà thủ ô, xạ đen, dây thìa canh… Một số hộ có đất thuộc vùng đồi xã Thanh Nghị đang triển khai trồng cây dược liệu hướng tới cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp dược phẩm… Huyện Thanh Liêm xác định đây là một trong những hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tích cực tham mưu với UBND huyện định hướng, chỉ đạo các địa phương quy hoạch vùng sản xuất. Đồng thời, lựa chọn doanh nghiệp liên kết sản xuất cây dược liệu để người dân yên tâm trong quá trình đầu tư.

Thực tế, các loại cây dược liệu được trồng trên địa bàn huyện Thanh Liêm đều cho hiệu quả kinh tế cao. Với cây kim ngân trồng tại xã Thanh Tâm liên kết với Công ty cổ phần Dược Thanh Liêm Medipharma cho giá trị cao gấp 3 lần cấy lúa trước đây. Cùng với đó, loại cây dược liệu này trồng 1 lần cho khai thác trong 5 năm. Những loại cây dược liệu khác cũng cho hiệu quả vượt trội so với trước đây sản xuất 2 vụ lúa.

Tuy nhiên, sản xuất cây dược liệu trên địa bàn Thanh Liêm gặp phải những khó khăn nhất định do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến một số loại cây dược liệu bị thu hẹp diện tích. Như cây cà gai leo gặp khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 (năm 2020, 2021) khó tiêu thụ nên phần lớn diện tích sản xuất tại các địa phương không còn duy trì. Hay cây cỏ ngọt tại xã Thanh Hương đã từng ký liên kết sản xuất với doanh nghiệp trồng 2 ha. Tuy nhiên, do sản xuất tại vùng ruộng trũng bị ngập úng nên hiện nay việc sản xuất chỉ còn lại 1 hộ, có diện tích 5 sào…

Đối với huyện Thanh Liêm, tiềm năng phát triển cây dược liệu khá dồi dào, nhất là vùng đất lúa cốt cao, đất đồi, có diện tích lên đến hàng trăm ha. Có nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua đã tìm về đặt vấn đề với địa phương tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu. Đây là thuận lợi rất lớn trong quá trình chuyển đổi sản xuất, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến. Từ những mô hình liên kết trồng cây dược liệu thời gian qua, huyện Thanh Liêm đang hướng tới hình thành và mở rộng nhiều vùng sản xuất cây dược liệu liên kết với các doanh nghiệp dược, giúp nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/thanh-liem-huong-toi-mo-rong-lien-ket-san-xuat-che-bien-cay-duoc-lieu-83027.html