Thanh long Bình Thuận có 'giấy thông hành' vào thị trường khó tính
Ngày 7/10, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận. Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
“Giấy thông hành” vào thị trường khó tính
Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận được bảo hộ tại Nhật Bản có thể nói như "giấy thông hành" để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung. Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand…).
Quả thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào ngày 15/11/2006 theo Quyết định số 786/QĐ-SHTT và ngày 8/7/2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND kèm theo Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận được bảo hộ tại Nhật Bản đã góp phần làm tăng giá trị các sản phẩm Việt Nam, tạo thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu, từng bước đưa các đặc sản vùng miền gắn tên với các địa danh của Việt Nam được bảo hộ bằng một cơ chế bảo hộ tương đối mạnh, bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Giống như vải thiều Lục Ngạn, Cục Sở hữu trí tuệ đã nỗ lực để góp phần đem lại thành công cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận ở Nhật Bản. Vốn nổi tiếng là một thị trường “khó tính”, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, một cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, có thể coi tính chất mở đường là Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản. Theo đó, hai bên cam kết thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý hai nước và trên cơ sở Bản ghi nhớ, hai bên đã trao đổi, đề xuất lựa chọn mỗi bên 3 sản phẩm để tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước còn lại. Thanh long Bình Thuận nằm trong số 3 sản phẩm của Việt Nam được lựa chọn, dựa trên tiêu chí danh tiếng, thị trường tiêu thụ, sự quan tâm của chính quyền địa phương và sản phẩm có hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.
Bên cạnh việc tạo dựng cơ sở pháp lý, Cục Sở hữu trí tuệ thông qua Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) hỗ trợ việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận vào Nhật Bản. Tiến trình kéo dài hơn 3 năm và thực sự là một quá trình khó khăn. Ngoài lý do khác biệt về pháp luật bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa hai quốc gia, hồ sơ thanh long Bình Thuận vướng phải nhiều khó khăn về các thông số kĩ thuật của hồ sơ đơn và khó khăn về năng lực tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
Ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận cho biết, với vai trò là đầu mối cung cấp tài tiệu, số liệu, thông tin liên quan đến chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ Hiệp hội thanh long Bình tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung đã được phê duyệt để chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận được cấp bằng trong thời gian sớm nhất.
Để đẩy nhanh tiến độ và đáp ứng các yêu cầu đề ra, Cục sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đã làm việc với các cơ quan Trung ương, các ngành, đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện các tiêu chí, bổ sung tài liệu chứng minh, đồng thời tìm kiếm các tài liệu chứng minh lịch sử sản xuất sản phẩm, theo đó, cuốn “Cây thanh long” của Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh năm 1997 của Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Văn Kế được xác định sử dụng làm tài liệu bổ trợ. Ngoài ra, tiến hành thống nhất với phía Nhật Bản và Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận lựa chọn đơn vị thực hiện cập nhật phân tích đặc tính sản phẩm thanh long Bình Thuận, khảo sát ý kiến người tiêu dùng, nhà phân phối thanh long Bình Thuận làm cơ sở chứng minh cho đánh giá xã hội đối với đặc tính của sản phẩm.
Theo ông Đinh Hữu Phí, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng Nhật Bản tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.
Thách thức quản lý sau bảo hộ
Dù xuất phát cùng thời điểm nhưng thời gian “cán đích” của các chỉ dẫn địa lý lại không giống nhau bởi tiêu chuẩn của họ rất cao và chặt chẽ. Vì vậy, việc cấp chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản nói riêng và các nước nói chung. Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân nơi đây ưa chuộng vì “họ hiểu rằng, các sản phẩm này đã được bảo đảm chất lượng, sẽ tin tưởng và sẵn sàng mua sản phẩm đó hơn".
Vì vậy, ông Đinh Hữu Phí nhận định, việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận đến với thị trường Nhật Bản nhưng để giữ vững được thị trường khó tính này, đồng thời mở rộng hơn nữa chỗ đứng, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận.
Đồng quan điểm trên, ông Văn Công Thới Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận chia sẻ, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận.
Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến như: nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo… Tuy nhiên, do sản phẩm thanh long tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái cây tươi không bảo quản được lâu nên việc tiêu thụ thanh long hiện nay gặp nhiều khó khăn, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, 85% còn lại tập trung cho xuất khẩu. Trong số này, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 2-3%), số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh và các doanh nghiệp này trực tiếp xuất khẩu.
Theo đại diện UBND tỉnh Bình Thuận, việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống lạm dụng và gian lận thương mại; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn.
Trước mắt, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thanh long, thời gian tới, tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” để nâng cao uy tín, giá trị cho thanh long Bình Thuận; Tổ chức các hội thảo tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, doanh nghiệp thanh long về sản xuất, sơ chế, đóng gói thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; Liên kết, hợp tác các cơ quan chuyên ngành đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất…; Tăng cường công tác quản lý quy hoạch vùng trồng thanh long, xây dựng vùng chuyên canh thanh long theo hướng VietGAP…; Tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất - tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị; Tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ quả thanh long; Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm thanh long; Hỗ trợ phát triển mở rộng thị trường...
Từ câu chuyện quả vải đến thanh long Bình Thận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Việt Nam tin rằng thời gian tới, nông sản Việt Nam sẽ có thêm nhiều sản phẩm thành công như quả thanh long tại các thị trường khác như: Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Australia và nhiều nước khác trên thế giới.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy, ưu tiên hỗ trợ bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực địa phương, Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nội dung “Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; Quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt danh mục đặt hàng nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, trong đó có nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm.