Thanh long vẫn xuất đường chính ngạch

Anh Trần Quốc Thắng - chủ trang trại thanh long Hùng Linh (thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh, Hàm Thuận Nam) vừa là người trồng thanh long, vừa thu mua theo chuỗi liên kết với nông dân và trực tiếp xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Mỹ, châu Âu, Úc (thông qua công ty ở TP. Hồ Chí Minh). Trong nhiều năm qua, trang trại này sản xuất 20 ha thanh long ruột trắng theo chuẩn GlobalGAP. Đây cũng là nơi tập trung sơ chế thanh long sau khi doanh nghiệp đi thu mua của các trang trại, hộ gia đình theo liên kết chuỗi với diện tích khoảng 150 ha.

Thanh long vẫn xuất đường chính

Chủ trang trại thanh long Hùng Linh và sản phẩm xuất khẩu (ảnh tư liệu).

Chủ trang trại thanh long Hùng Linh và sản phẩm xuất khẩu (ảnh tư liệu).

Đáng nói, trong bối cảnh thị trường thanh long vụ mùa tại Bình Thuận đang gặp vô vàn khó khăn do rớt giá, khâu vận chuyển bị siết chặt thì tại doanh nghiệp này, từ tháng 5 đến giữa tháng 8/2021, các đơn hàng xuất chính ngạch vẫn được vận hành khá suôn sẻ ngay trong thời gian xảy ra Covid-19. Theo chia sẻ của anh Thắng, chỉ tính từ tháng 5/2021 đến nay, mỗi tháng doanh nghiệp xuất đi châu Âu mặt hàng thanh long tiêu chuẩn GlobalGAP từ 230 - 500 gr bình quân từ 80 - 90 tấn thanh long ruột trắng và 20 tấn thanh long ruột đỏ, tím hồng bằng đường máy bay. Ở thị trường Úc, mỗi tháng vận chuyển bằng đường biển từ 60 - 70 tấn ruột trắng và 20 tấn thanh long tím hồng. Riêng thị trường Mỹ mỗi tháng có khoảng 32 tấn thanh long trắng, đỏ và tím hồng được vận chuyển bằng đường máy bay. Theo đánh giá của doanh nghiệp, sản lượng xuất khẩu này tăng từ 70 - 100% so cùng kỳ năm ngoái!

Vì sao trong thời kỳ khủng hoảng do tác động của Covid-19 nhưng tình hình xuất khẩu chính ngạch đi các thị trường này lại khả quan như vậy? Theo lý giải của chủ doanh nghiệp, nguyên nhân tăng sản lượng xuất khẩu do hiện nay các nước EU và Mỹ, Úc đã mở cửa trở lại, đồng nghĩa với thị trường tiêu thụ tốt, đơn hàng ổn định và quan trọng hơn là khách chấp nhận giá cao, tăng phí vận chuyển để nhận hàng, với tiêu chuẩn là thanh long sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Theo chia sẻ của chủ doanh nghiệp, hiện khách hàng yêu cầu số lượng lớn nhưng trang trại không đáp ứng đủ sản lượng… Và hiện tại, doanh nghiệp cũng lo lắng việc vận chuyển thanh long qua khu vực bị phong tỏa của thị xã La Gi. Hiện nay, vùng nguyên liệu vệ tinh của trang trại Hùng Linh bao gồm xã Thuận Quý (Hàm Thuận Nam) 51 ha và xã Tân Tiến, Tân Hải (thị xã La Gi)100 ha, Hàm Tân 30 ha… Giá thu mua ổn định cho những trang trại sản xuất theo chuẩn quy trình GlobalGAP là thanh long ruột trắng 17.000 đồng/ kg loại trái từ 230 - 500 gr và 15.000 đồng/kg với loại trái từ 500 - 780 gr . Riêng thanh long ruột đỏ từ 300 - 780 gr là 20.000 đồng/kg và tím hồng 19.000 đồng/kg. Những ngày gần đây, thanh long đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đã bắt đầu chín trên cành, đến thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, trên địa bàn thị xã La Gi hiện đang thực hiện Chỉ thị 16…

Khó khăn trên chắc sẽ được chính quyền La Gi giải quyết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng là của người dân trồng thanh long trên địa bàn. Điều đáng nói, trong dịch bệnh, thanh long vẫn được xuất khẩu chính ngạch, chứng tỏ con đường sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn mà thị trường cần là đúng đắn.

Kiều Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/thanh-long-van-xuat-duong-chinh-ngach-140798.html