Thanh long Việt Nam tạo dựng thương hiệu tại Ấn Độ

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang thị trường đông dân thứ hai thế giới là Ấn Độ, Việt Nam cần một kế hoạch bài bản, rõ ràng và đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thanh long để tránh lặp lại sai lầm như với thị trường Trung Quốc trước đây.

Tổng sản lượng thanh long hiện thu hoạch ngay trong tháng 1 trên cả nước vào khoảng hơn 200.000 tấn. Trong khi đó, Trung Quốc – thị trường chính xuất khẩu trái thanh long của Việt Nam, đang siết chặt các biện pháp thông quan.

Ngày 19/1, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ thị trường châu Á – châu Phi tổ chức hội thảo “Thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ”.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ ông Đỗ Thanh Hải chia sẻ rằng, đây là một thị trường lớn, với dân số 1,4 tỷ người, trong đó có tới 40% dân số là người ăn chay, nên nhu cầu tiêu thụ hoa quả rất cao.

Việt Nam cần một kế hoạch bài bản, rõ ràng và đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thanh long để tránh lặp lại sai lầm như với thị trường Trung Quốc trước đây.

Việt Nam cần một kế hoạch bài bản, rõ ràng và đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thanh long để tránh lặp lại sai lầm như với thị trường Trung Quốc trước đây.

Những năm gần đây, Ấn Độ là quốc gia tiềm năng đang trỗi dậy, với mức tăng trưởng GDP hàng năm đạt 8-9%. Trong vài thập kỷ tới, nhu cầu tiêu thụ của người dân sẽ tăng cao, biến Ấn Độ trở thành thị trường tiềm năng với nhiều dư địa để phát triển.

Từ năm 2014, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, với kim ngạch đạt 1,1 triệu USD. Trong vòng 5 năm, kim ngạch xuất khẩu đã tăng gấp 10 lần, đạt 10 triệu USD vào năm 2019, tới năm 2021 đạt 13 triệu USD. Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đặt mục tiêu bứt phá trong năm 2022, với kim ngạch đạt 50 triệu USD.

Vì vậy, ông Hải đề nghị cần có những biện pháp bài bản, rõ ràng, đúng hướng nhằm phát triển khả năng xuất khẩu tại thị trường này.

Thanh long Việt Nam đã xuất khẩu tới 15 quốc gia, trong đó có Ấn Độ. Nhưng thị trường Ấn Độ chưa được đầu tư tương xứng. (Ảnh chụp tại hội thảo)

Thanh long Việt Nam đã xuất khẩu tới 15 quốc gia, trong đó có Ấn Độ. Nhưng thị trường Ấn Độ chưa được đầu tư tương xứng. (Ảnh chụp tại hội thảo)

Về tiềm lực của Việt Nam, đại diện các tỉnh trồng thanh long cho biết, các tỉnh có khoảng 50.000 ha trồng thanh long, sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 70 - 80% sản lượng là xuất khẩu, còn 20% tiêu thụ trong nước.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn chưa có sự quan tâm đúng mực cho thị trường Ấn Độ. Hiện nay, tất cả các lô hàng thanh long xuất khẩu sang Ấn Độ đều đang được đóng thùng và sử dụng bao bì ghi tiếng Trung. Việc này khiến khách hàng người Ấn Độ cảm thấy không thoải mái vì sự cẩu thả này.

Chính vì thế, ông Đỗ Thanh Hải đề nghị các doanh nghiệp cần đầu tư hơn vào bao bì xuất khẩu, có cả tiếng Anh và tiếng Hindi, vì chỉ có 40% dân số quốc gia này biết tiếng Anh.

Ông Đỗ Thanh Hải, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ.

Ông Đỗ Thanh Hải, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ.

Bao giờ Việt Nam có thể quảng bá trái thanh long bằng tiếng Hindi thì mới có thể tiếp cận đến từng người dân Ấn Độ.

Ngoài ra, thông qua người nổi tiếng của Ấn Độ hoặc đưa trái thanh long vào các hội chợ, khách sạn lớn tại nước này để quảng bá, xây dựng thương hiệu và phát triển thị phần của thanh long Việt Nam.

Nhất trí với quan điểm cần tạo dựng được thương hiệu cho thanh long của Việt Nam tại nước bạn thì xuất khẩu thanh long mới có thể phát triển bền vững được, các diễn giả đều đề nghị thành lập Hiệp hội xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ là cơ quan đầu não, điều phối, hướng dẫn việc xuất khẩu thanh long.

Ông Nguyễn Quốc Duẩn, giám đốc công ty Phát triển Thương mại Quốc tế Song Nam ITD, nhận định rằng không thể để việc xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ đi vào “vết xe đổ” của thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, nhiều doanh nhân Trung Quốc đã sang tận vựa thanh long đặt hàng về Trung Quốc sản xuất, đóng gói từ đó áp giá thị trường thanh long Việt Nam. Việc này không thể lặp lại với thị trường Ấn Độ.

Ông Nguyễn Quốc Duẩn, giám đốc công ty Phát triển Thương mại Quốc tế Song Nam ITD.

Ông Nguyễn Quốc Duẩn, giám đốc công ty Phát triển Thương mại Quốc tế Song Nam ITD.

Không thể để mất tự chủ thị trường vào tay các thương nhân nước ngoài, tránh đi vào “vết xe đổ” của thị trường Trung Quốc.

Cần có sự tham gia của cơ quan chức năng, quy định mức giá xuất khẩu chung cho mặt hàng này. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chung tay giữ giá thanh long, không được để thương lái Ấn Độ áp theo giá của họ. Nếu không làm được vậy thì tổn thất sẽ là cả nền xuất khẩu thanh long Việt Nam.

Song song đó, Ông Trần Quốc Toản , Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, vai trò của Hiệp hội xuất khẩu thanh long sẽ là cầu nối, cung cấp thông tin về thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp, các vùng trồng về tín hiệu thị trường, để sản xuất và xuất khẩu theo nhu cầu thị trường.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thanh long đạt khoảng 1,04 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hoa quả và là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ hơn 13 triệu USD, chiếm gần 13%, với riêng kim ngạch của tỉnh Bình Thuận đạt 317.000 USD, của tỉnh Tiền Giang là 280.000 USD, còn tỉnh Long An là khoảng 200.000 USD.

Hiện nay, mới chỉ có thanh long Việt Nam được hưởng mức thuế ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, còn các loại quả khác thì phải chịu mức thuế 70%, nên doanh nghiệp khó có thể xuất khẩu sang thị trường này. Trong khi Ấn Độ đang có nhu cầu rất lớn về các loại quả nhiệt đới như nhãn, chôm chôm…

Bùi Hằng (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thanh-long-viet-nam-tao-dung-thuong-hieu-tai-an-do-63581.html