Thanh Mai: '6 tháng ở Israel, tôi vẫn đợi chuyến bay về Việt Nam'
Nữ diễn viên phim 'Cô thủ môn tội nghiệp' cho biết ở Israel, chị sống tối giản, tự nấu ăn nên chi phí không tốn kém như khi ở Việt Nam.
MC, diễn viên Thanh Mai cho biết chị bị kẹt ở Israel hơn 6 tháng qua. Chị nói vui đây là kỳ du lịch dài hơi nhất trong đời mình. Người đẹp 7X tâm sự bản thân luôn suy nghĩ, lạc quan tích cực nên thời gian qua không quá áp lực với chị. Thanh Mai cảm thấy học hỏi được nhiều điều khi sống ở đất nước Do Thái.
Chi phí ở Israel không cao bằng Việt Nam
- Trong suốt 6 tháng bị kẹt ở Israel, cuộc sống của chị thế nào?
- Ở Israel, tôi có công việc với đối tác nên cuộc sống cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Mỗi ngày, tôi vẫn làm việc, tập thể dục đều đặn. Tất nhiên cách sinh hoạt phải thay đổi nhưng trên hết, tôi giữ lối sống khoa học, tinh thần lạc quan.
Sống xa người thân, bạn bè, không được hẹn hò với mọi người đôi khi tôi cũng cảm thấy buồn. Mà không sao, không gặp gỡ "offline" thì tôi và bạn bè hẹn hò "online" cũng vui.
Điểm khác biệt của tôi khi ở Israel là vào bếp thường xuyên hơn. Tôi thèm món ăn Việt Nam và "muốn ăn phải lăn vào bếp" thôi. Nhờ vậy, tay nghề nấu nướng của tôi hiện đã khá hơn. Tôi thường nấu phở, khô bò, gỏi cuốn mời đồng nghiệp ở Israel.
Ngoài ra, khi có nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi tìm hiểu, học hỏi kiến thức ở lĩnh vực mới. Tôi nghĩ ở lứa tuổi nào, vị trí nào, việc học hỏi không bao giờ thừa.
- Một số người khi bị kẹt ở nước ngoài bị áp lực về tài chính, nhà cửa. Còn chị thì sao?
- Đối với mọi sự việc xảy ra, tôi luôn có cái nhìn tích cực, lạc quan. Bi quan làm gì khi điều đó không thay đổi được hiện tại, chỉ làm chìm đắm tinh thần của mình. Chúng ta được quyền lựa chọn để có đời sống bình yên mà.
Thật sự, tôi chỉ gặp một chút khó khăn là thèm món Việt. Ở bên này, cửa hàng vẫn có gia vị, thực phẩm châu Á nhưng không đủ. Vì vậy, tôi muốn ăn gì, bản thân phải tự mày mò nấu nướng hoặc chế ra từ những nguyên vật liệu có sẵn. Chẳng hạn, muốn ăn bún chả, tôi tự làm bún, nướng chả. Và khi làm nhiều việc, bận rộn hơn cũng là lúc tôi cảm thấy vui, tinh thần lạc quan hơn.
- DOP của phim "Song lang" cho biết 3 tháng ở Australia phải tiêu tốn 200 triệu đồng. Còn chị, với 6 tháng ở nước ngoài, chị đã tốn kém ra sao?
- Tôi hướng đến lối sống tối giản. Thời gian ở Israel, tôi cũng tự xoay xở nhiều việc như lái xe, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp. Vì thế, các chi phí của tôi ở đây không cao như ở Việt Nam.
Ở bên này, tôi không phải lo lắng việc thuê nhà, đi lại do phía đối tác làm việc đã lo sẵn. Căn hộ của tôi đang ở cũng khá đầy đủ, thoải mái. Không những thế, căn hộ còn nằm cạnh biển Địa Trung Hải nên có không gian thư giãn mát mẻ, không bị tù túng, bó hẹp.
- Công việc ở Việt Nam có bị ảnh hưởng nhiều khi chị vắng mặt khá lâu?
- Từ nhiều năm nay, tôi đã ứng dụng công nghệ trong việc điều hành, quản lý nên tôi vẫn thường điều hành công việc từ xa. Do đó, thời gian qua, mọi việc vẫn được vận hành suôn sẻ.
- Với người nhiều trải nghiệm như chị, sau ngày dài sống chậm vì dịch bệnh, chị rút được những bài học gì?
- Trong cuộc sống có rất nhiều sự việc, biến cố xảy ra mà mình không lường trước được. Từ trước đến nay, tôi luôn quan niệm sống hết mình cho hiện tại, trân trọng quá khứ và xây dựng cho tương lai.
Chúng ta đang sống trong một giai đoạn nhiều bất trắc, nhiều đổi thay nhưng những thay đổi này càng giúp bản thân trân trọng sức khỏe, tình thân và xây dựng đời sống khoa học, tinh thần lạc quan, bình an hơn để hướng đến một cuộc sống mạnh khỏe, an yên.
Tôi vẫn ổn nên cần nhường vé máy bay cho người khác
- Sống ở đất nước Do Thái, văn hóa khác Việt Nam, có câu chuyện nào được chứng kiến khiến chị xúc động?
- Tôi hoạt động nghệ thuật cũng như kinh doanh từ sớm nên được đi qua nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều con người. Mỗi vùng đất đều có những nét đẹp, câu chuyện riêng. Dịp này, lưu lại Israel khá lâu, tôi coi như một chuyến du lịch dài hạn (cười). Cũng nhờ vậy, tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc và trải nghiệm nhiều điều thú vị.
Người dân Israel không chỉ là một trong các dân tộc thông minh nhất thế giới, họ sống rất tình cảm. Những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa, nền nếp gia đình đều được họ lưu giữ và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ví dụ như người bác sĩ tôi quen, tuần nào cũng đến thăm bà ngoại đã gần 100 tuổi. Không chỉ bác sĩ, các con, cháu của ông ấy cũng đến thăm bà. Những đứa cháu trai đưa đón bà đi ăn nhà hàng. Suốt buổi ngồi cạnh bà, các cháu lấy thức ăn, trò chuyện cho bà vui, bóp tay chân để bà đỡ mệt. Thanh niên tuổi 20 ở Việt Nam ít khi biểu lộ tình cảm, nhưng ở đây, điều đó rất bình thường.
Và ở đây, người đàn ông rất chăm lo cho gia đình. Mỗi sáng thứ 7, tôi ra công viên thấy nhiều người cha bế con đi chơi. Cả công viên, đa số đàn ông chơi với trẻ con thôi. Điều này chứng tỏ, đàn ông bên đây không coi việc chăm sóc con cái là nghĩa vụ của phụ nữ. Họ có trách nhiệm với gia đình, con cái.
Tôi cũng thấy cách giáo dục con trẻ của người Do Thái rất hay. Tôi chứng kiến cháu trai hơn 2 tuổi tự ăn, tự chơi, không mè nheo. Khi người lớn bàn công việc, chỉ cần đưa cây bút và tờ giấy, cậu bé ngoan ngoãn ngồi vẽ tranh. Sự hiếu thảo của trẻ con, sự tử tế của con người với con người nơi đây càng khiến tôi quý trọng họ hơn và gợi nhớ về quê nhà.
- Chị gặp khó khăn khi tìm kiếm vé máy bay về Việt Nam thế nào?
- Tôi may mắn khi hoạt động nghệ thuật nhiều năm, được khán giả yêu thương, quan tâm. Hiện tại, có vài lời mời, chủ động giúp tôi liên hệ với Đại sứ quán, cũng như lời thăm hỏi động viên từ Đại sứ quán từ Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn đáng ngại nên tôi cố gắng chờ đợi. Khi nào các chuyến bay được phép bay lại, tôi mới về Việt Nam sau.
Hơn nữa, tôi cảm thấy ngại, không muốn phiền mọi người. Tôi nghĩ mình đang sống ổn, vẫn làm việc được nên nhường vé máy bay cho những người cần hơn.