Thanh Mai (Thanh Oai, Hà Nội) giữ vẹn nguyên dấu tích cổ xưa văn hóa lịch sử
Trải qua chặng đường dài hàng nghìn năm, xã Thanh Mai vẫn còn lưu giữ được rất nhiều dấu tích cổ xưa như hệ thống gồm 3 đình, 4 chùa và 2 quán, nổi bật trong đó là đình Nga My Hạ và Nga My Thượng.
Xã Thanh Mai – một làng quê được hình thành lâu đời ở ven dòng sông Đáy từ ngàn xưa. Mảnh đất này là nơi hội tụ nhiều bản sắc văn hóa, có giá trị lớn về mặt lịch sử từ cấu trúc tổ chức, văn hóa và cả kinh tế.
Làng Nga My Hạ hiện còn lưu giữ được ngôi đình tọa lạ ở ven đê phía Tây Nam làng, Văn bia còn lưu cho biết, Đình được dựng vào thời Lê và được tu bổ lại từ đầu thế kỷ thứ XX. Ông Nguyễn Thiện Tòng, một người dân tại xã Thanh Mai cho biết: "Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, ông có về đóng quân tại trại của làng Nga My, tại đây ông nằm mơ thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, quần áo chỉnh tề báo mộng và chỉ cho Đinh Bộ Lĩnh cách đánh giặc.
Ngày hôm sau, Đinh Bộ Lĩnh cho triệu tập tất cả các vị bô lão trong làng và hỏi cụ già đó là ai? Tất cả các bô lão trong làng đều trả lời đó là một vị thần của làng Nga My Hạ mà dân trong vùng vẫn thờ. Sau đó, Đinh Bộ Lĩnh đã lập bàn thờ cầu khấn để được phù hộ, năm đó, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp được loạn hoàn thành thắng lợi".
Đình Nga My Hạ hiện nay còn lưu giữ tòa Thiêu Hương năm gian đại bái hậu cung với kiến trúc và hoa văn mang đậm phong cách của các ngôi đình cổ. Hằng năm, cứ vào dịp cuối năm người dân ở vùng Nga My Hạ lại tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công ơn của các vị thành hoàng làng.
Ngoài Nga My Hạ, trên địa bàn xã Thanh Mai còn có đình Nga My Thượng. Đình làng Nga My Thượng được xây dựng trên khu đất cao ở giữa làng với diện tích khoảng hơn 2000m2 thờ ông Thiện (Thiện Nguyên) và ông Quang (Quang Lai) đều là con nhà dòng dõi sống từ thời Hán Chiêu Đế đến Hán Ai Đế từ năm 86 đến năm 6 trước công nguyên.
Hai ông đều được bà con nhân dân Nga My mến mộ vì có công lớn trong việc dạy chữ, "khai dân trí", dẹp loạn, giúp bà con có cuộc sống bình yên, an cư lạc nghiệp. Khi hai ông hóa dân chúng quanh vùng xin lấy nơi hành tại làm sinh từ để thờ phụng. Xung quanh đình được xây tường bao,chính giữa phía Đông là cửa Nghi Môn có 2 cột trụ chính được chạm khắc đèn lồng, phía trên đỉnh cột có phượng chầu.
Kế theo đó là 2 cửa nhà phụ nhỏ làm 8 mái có đao uốn cong và các hình tứ linh. Cột con của đình cũng được chạm khắc bằng câu đối, đèn lông, giữa cửa chính và cửa phụ nối với nhau bằng bức phù điêu, trên mái có con chiên với hình voi đằng trước, ngựa đằng sau, thể hiện cho sự dũng mãnh của các Thành hoàng làng tại đây.
Đi vào phía trong đình có bức bình phong, 2 cột chính cũng được khắc các họa tiết đèn lồng, khuôn tranh, trang trí câu đối, trên đỉnh có các con phượng kết nhìn vào 4 hướng, giữa là bức bình phong trên có rồng chầu, ở giữa có khắc 3 chữ “Đức – Hải – Sơn”.
Tiếp đến là phần đại bái, nhìn từ trên đỉnh nóc đại bái có lưỡng long chầu nguyệt. Sau đó đến phần hậu cung được xây dựng cao nhất, được thiết kế theo cổ diêm, trên hàng cổ diêm có chạm khắc tứ linh có 4 chữ “Nga – Thượng – Linh- Từ”. Đây là nơi thờ tự đức Thành hoàng làng của làng Nga My Thượng.
Theo tìm hiểu, trước đây làng Nga My Thượng là làng kháng chiến, do đó, trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Nga My Thượng bị xuống cấp trầm trọng do bị đốt. Khi hòa bình lập lại, nhân dân địa phương đã đóng góp công sức để tu sửa và tôn tạo lại đình để ngày hôm nay Nga My Thượng vẫn giữ được dáng dấp của đình cổ ngày xưa.
Sau những nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ và nhân dân, năm 2019, xã Thanh Mai đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về đích nông thôn mới.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết: “Thanh Mai tự hào là miền quê lưu lại được nhiều dấu tích của văn hóa lịch sử lâu đời, đây cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên dấu ấn riêng của Thanh Mai nói riêng và huyện Thanh Oai nói chung. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo tồn, gìn gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thôn, xây dựng Thanh Mai ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn”.