Thanh minh trong đời sống văn hóa của người Hà Nam

Đã từ rất lâu, trong tâm thức người Việt, Tết Thanh minh có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Ngoài ý niệm về thời gian và không gian, Thanh minh còn là dịp mọi người đoàn tụ để cùng nhau bày tỏ tấm lòng, tình yêu của mình với tổ tiên và nơi chôn rau cắt rốn. Vì thế, có những nơi, ngày Thanh minh là một ngày Tết thực thụ được mọi người chờ đón.

Đã từ rất lâu, trong tâm thức người Việt, Tết Thanh minh có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Ngoài ý niệm về thời gian và không gian, Thanh minh còn là dịp mọi người đoàn tụ để cùng nhau bày tỏ tấm lòng, tình yêu của mình với tổ tiên và nơi chôn rau cắt rốn. Vì thế, có những nơi, ngày Thanh minh là một ngày Tết thực thụ được mọi người chờ đón.

Người dân tảo mộ trước ngày Thanh minh năm nay.

Người dân tảo mộ trước ngày Thanh minh năm nay.

Theo sách cổ, Thanh minh được xếp là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí", người phương Ðông luôn coi đó một lễ tiết quan trọng hàng năm, đến sau ngày lập Xuân 45 ngày.

Người ta quan niệm, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Vậy nên, Thanh minh đến khi tiết Xuân phân đi qua, không khí của trời xuân gần như đã hết, mưa bụi không còn, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa hơn. Đất trời thêm mênh mông, cây cối xanh biếc lá cành, chẳng còn đâu cái tiết nằng nặng sập sùi sương nước.

Tiết Thanh minh thường trong tháng Ba âm lịch. Năm nay, Thanh minh vào ngày rằm tháng 2 âm lịch (tháng nhuận), trước Tết Hàn thực 17 ngày. Rất hiếm khi Tết Thanh minh trùng ngày với Tết Hàn thực.

Các cụ thường nói, khi hai tết này trùng nhau mới thực sự là Tết. Bởi lẽ, Tết Hàn thực hay tết Thanh minh đều là những cái Tết tưởng nhớ, ngày mà con người thể hiện tình cảm biết ơn, thương nhớ tới những người đã khuất.

Nguồn gốc của Tết Hàn thực từ Trung Quốc. Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Kế Bính viết trong “Việt Nam phong tục” đã cho là như vậy. Tích chuyện liên quan đến Giới Tử Khôi, một hiền sỹ của vua Văn Công đời Tấn. Trong lúc nhà vua gặp phải gian khó, tồn vong, Giới Tử Khôi đã xẻo thịt mình để chế biến thành món ăn dâng vua khỏi chết đói.

Sau này, khi vua lấy lại được thế vị, ông phong thưởng cho tất cả các trọng thần có công, chỉ bỏ sót có Giới Tử Khôi. Giới Tử Khôi không trách móc vua, cho đó là bổn phận của mình, nhưng rồi vẫn mang mẹ già vào rừng ở ẩn.

Khi nhớ ra chuyện cũ, vua mới cho gọi Giới Tử Khôi, nhưng ông trốn không về. Nhà vua sai quân tìm đủ mọi cách để Giới Tử Khôi bỏ rừng, ông vẫn không ra. Quân lính đem lửa đốt nghĩ thế nào ông cũng ra, nhưng rừng cháy, ông cứ ở lại đó và chết cháy trong đám lửa đỏ, than hồng.

Vua thương xót cho lập miếu thờ và phong cả khu rừng ấy là điền tự. Rồi chuyện lan ra dân, người ta ngày thắp lửa tưởng nhớ ông trong ba ngày, từ mồng 3 đến ngày ông mất (mồng 5 tháng 3 ), chỉ ăn đồ lạnh. Người Việt cũng đã bị ảnh hưởng Tết này, nên định 3/3 âm lịch là ngày Tết Hàn thực, làm bánh trôi, bánh chay cúng Phật, cúng tổ tiên long trọng mà ấm áp lắm.

Đi tảo mộ, người ta sẽ nhổ cỏ và dọn dẹp các ngôi mộ của người thân phong quang, sạch sẽ, gửi gắm niềm tôn kính và nhớ thương với người đã khuất.

Đi tảo mộ, người ta sẽ nhổ cỏ và dọn dẹp các ngôi mộ của người thân phong quang, sạch sẽ, gửi gắm niềm tôn kính và nhớ thương với người đã khuất.

Còn Thanh minh, người Việt cũng quá coi trọng tiết này, bởi đó là ngày người người, nhà nhà hợp thành các dòng họ, dẫn rủ nhau về tìm mộ Thủy tổ, ông bà ông vải, cha mẹ… những người thân yêu đã qua đời để nhổ cỏ, đắp đất, làm đẹp hơn, sạch hơn những mộ phần người chết.

Người sống lo cho người chết mồ yên mả đẹp, để người chết thỏa lòng nơi chín suối, độ trì cho người trần thuận buồm suôi gió, làm ăn phát đạt… Về ý nghĩa văn hóa, Tết Hàn thực và Thanh minh có những điểm tương đồng về đạo lý ứng xử của con người. Nhưng trong nghi thức lễ tết thì Tết Thanh minh có những điểm hoàn toàn khác. Trong ngày này, người ta thường tiến hành một nghi thức mang ý nghĩa tâm linh là tảo mộ. Việc làm thể hiện tình cảm nhớ về nguồn cội và đoàn kết dòng tộc một cách sâu sắc.

Nhiều nghi thức trong ngày Tết Thanh minh ở một số nơi mang lệ tục địa phương riêng biệt, chẳng hạn như những dòng họ ở làng Tiên Lý, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục. Đây là ngày Tết lớn, Tết trọng, có ý nghĩa sâu sắc với người dân trong làng. Bà Ngô Thị Lệ nói: “Vào ngày này, con cháu trong bất kỳ dòng họ nào cũng phải có mặt ở nhà thờ họ. Vừa chuẩn bị cho các nghi thức Tế lễ tổ tiên, vừa ra đồng thăm viếng, nhận mồ nhận mả các cụ…”

Ông Trần Hữu Minh đi từ Nam Định về quê Hòa Hậu, huyện Lý Nhân để tảo mộ sớm vài ngày. Ông Minh nói, Thanh minh là dịp để ông được gặp gỡ con cháu, anh em họ hàng ở quê; được thăm viếng mộ các cụ, cha mẹ mình để đời sống tinh thần của ông vơi bớt nỗi nhớ mong...

Ông Trần Hữu Minh đi từ Nam Định về quê Hòa Hậu, huyện Lý Nhân để tảo mộ sớm vài ngày. Ông Minh nói, Thanh minh là dịp để ông được gặp gỡ con cháu, anh em họ hàng ở quê; được thăm viếng mộ các cụ, cha mẹ mình để đời sống tinh thần của ông vơi bớt nỗi nhớ mong...

Nghi thức lễ vọng của dòng họ Ngô ở Tiên Lý được duy trì bao đời nay, là một nghi thức truyền thống, có vẻ mang nặng tư tưởng phong kiến. Các gia đình trong dòng họ có con trai đều phải làm lễ bái vọng. Lễ này được quy định là một mâm sôi và một thủ lợn. Sau khi lễ xong, lễ vật được chia cho các gia đình. Không ai trong dòng họ này quên ngày Thanh minh với những nghi lễ bắt buộc ấy, và họ cho đó là sự biểu hiện cho lòng thành kính và tôn trọng họ tộc, tôn trọng dòng giống.

Ở thành phố Phủ Lý, dòng họ Bùi của cụ Bùi Văn Dị (Châu Cầu) là một trong những dòng họ lớn có tiếng ở đây. Mặc dù con cháu dòng họ này làm ăn, phát triển ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng vào ngày Thanh minh, đặc biệt là giỗ tổ, họ lại trở về đông đủ và thực hiện nghi thức truyền thống của ngày lễ. Con cháu tụ hợp ở nhà thờ họ, ôn lại truyền thống, tổng kết khuyến học khuyến tài trong họ và trao phần thưởng... Ngày Thanh minh được con cháu chờ đợi .

Đất có lề, quê có thói.. Mỗi làng quê một tập tục và có những việc làm khác nhau thể hiện đạo lý và văn hóa ứng xử của mình... Nhưng tựu chung, Thanh minh đã là dịp hội tụ con cháu của dòng họ trở về nơi quê cha đất tổ để tưởng nhớ công ơn sinh thành cũng như thêm một lần trong cuộc đời thực hiện đạo nghĩa nhớ về nguồn cội.

Những quan niệm trong tinh thần của người Việt được đánh thức qua cách mà con người thể hiện như nghĩ về người đã khuất với tấm lòng thành kính, nhớ thương và cùng một suy nghĩ: Trần sao âm vậy. Người sống mong muốn người đã khuất ở thế giới bên kia cũng được đủ đầy. Với những người còn sống, con người cũng dành cho nhau những khoảnh khắc đoàn tụ và yêu thương nhất thể hiện tình máu mủ, họ hàng.

Anh Trần Hữu Trung (thứ 2 từ phải sang) cùng với họ hàng tảo mộ sáng 2/4/2023.

Anh Trần Hữu Trung (thứ 2 từ phải sang) cùng với họ hàng tảo mộ sáng 2/4/2023.

Người ở xa xôi cũng mong trở về quê dịp này để gặp mặt anh em họ hàng đoàn viên và chia sẻ. Anh Trần Hữu Trung, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân nói: “Vào ngày này, người dân Lý Nhân quê tôi về rất đông, nhất là vùng Nhân Bình, Nhân Mỹ… Xa mấy cũng về. Họ mang theo tình cảm dòng tộc, gia đình gắn bó, đoàn kết. Từ miền Nam xa xôi, cũng có người đã về chỉ để thắp nén nhang cho ông bà tổ tiên, cầu các cụ ban phúc đức, độ cho con cháu được bình yên, thịnh đạt. Đó là ngày Tết vô cùng ý nghĩa, giáo dục truyền thống biết ơn nguồn cội cho tất cả các thế hệ người đang sống.”

Thanh minh đã thể hiện văn hóa ứng xử của Việt không giống bất cứ dân tộc nào. Đó là tình cảm của mỗi người dành cho gia đình, dòng họ. Đó là tình yêu quê hương xóm làng... Ở đó, nghĩa tình anh em, tình làng nghĩa xóm được thể hiện cô đọng và sâu sắc nhất. Thanh minh đã đi vào tâm thức con người như một sinh hoạt văn hóa cộng đồng tiêu biểu nhất mà người Việt Nam lưu giữ muôn đời.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/thanh-minh-trong-doi-song-van-hoa-cua-nguoi-ha-nam-97535.html