Thanh niên cứu người trong vụ sập cầu Phong Châu: Ai cũng sẽ làm như vậy!

Ngô Văn Khanh, 26 tuổi, từ chối nhận mình là người hùng trong vụ sập cầu Phong Châu và cho biết, trong hoàn cảnh đó, ai cũng sẽ hành động như vậy.

Trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) có những "người hùng" với hành động nghĩa hiệp, cứu giúp người hoạn nạn. Một trong số đó là anh Ngô Văn Khanh, 26 tuổi, ngụ khu 5, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.

Anh Khanh là người đã cứu giúp anh Phan Trường Sơn khi cầu sập, anh này rơi xuống sông Hồng cùng chiếc xe máy.

VIDEO: Người hùng vụ sập cầu Phong Châu: Ai cũng sẽ làm như vậy!

Trò chuyện với PLO, anh Khanh cho biết, lúc sập cầu Phong Châu, anh đang ở trong nhà và nghe tiếng tri hô "sập cầu rồi". Theo bản năng, Khanh chạy ra ngoài nhìn về phía thượng nguồn. Theo dòng nước ngược lên, Khanh thấy lẫn trong dòng nước chảy siết với rác, gỗ là bóng dáng một người đàn ông đang cố bám vào thân cây đang chới với giữa dòng.

Nghe tiếng kêu cứu, Khanh không nghĩ nhiều mà chạy ra con đò của gia đình rồi cố gắng tiếp cận người bị nạn.

 Người hùng Ngô Văn Khanh. Ảnh H.N

Người hùng Ngô Văn Khanh. Ảnh H.N

Nước lớn và chảy mạnh, thanh niên 26 tuổi và con đò rất khó khăn mới tiếp cận được nạn nhân. Khi nạn nhân trôi tới, anh Khanh đưa người này lên đò rồi tìm cách bơi vào bờ, đưa nạn nhân đi cấp cứu. Nạn nhân được cứu vớt là một người đàn ông, bị thương khắp người nhưng nặng nhất là ở chân cùng với trạng thái hoảng loạn.

"Anh ấy hoảng sợ, không nói được gì, chân tay run bần bật. Bình tâm một lúc lâu, người này mới lấy đọc số điện thoại người nhà để tôi gọi thông báo", Khanh kể lại.

Với danh xưng được chúng tôi gọi tạm, "người hùng cứu vớt nạn nhân sập cầu Phong Châu", chàng trai trẻ 26 tuổi từ chối và cho biết, trong hoàn cảnh đó, ai cũng sẽ hành động như vậy.

 Cầu Phong Châu bị gãy trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu. Ảnh NH

Cầu Phong Châu bị gãy trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu. Ảnh NH

Về phần nạn nhân Phan Trường Sơn, sau nhiều giờ điều trị tại TTYT huyện Tam Nông, tinh thần và sức khỏe anh này đã dần ổn định.

Anh Sơn cũng cho biết, không nghĩ mình còn sống sau khi rơi cả người và xe xuống sông Hồng.

"Tôi chìm rất sâu sau khi rơi xuống sông, rồi cố gắng ngoi lên mặt nước. Bơi được một đoạn tôi vớ được thân cây, sau đó có thuyền ra cứu", anh Sơn nhớ lại.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ đã thiết lập Sở Chỉ huy tạm thời tại khu vực cầu Phong Châu để phối hợp trong công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ.

Đại tá Trần Nho Lương, Phó Chỉ huy trưởng, kiêm Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ cho biết, khi nào mực nước sông bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn và được lệnh của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu và Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão của tỉnh thì các lực lượng mới triển khai công tác cứu hộ cứu nạn trên sông.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, do ảnh hưởng của bão số 3, nước lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, nước sông chảy xiết dẫn đến sập cầu Phong Châu khoảng 10 giờ 2 phút ngày 9-9. Sơ bộ ban đầu xác định tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (trong đó: 1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô, 1 xe máy điện); 8 người mất tích; đã cứu, đưa 3 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

XUÂN NGUYỄN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thanh-nien-cuu-nguoi-trong-vu-sap-cau-phong-chau-ai-cung-se-lam-nhu-vay-post809320.html