Thanh niên hiến kế giải pháp xanh khắc phục tình trạng ngập úng nội đô Hà Nội

Đề xuất thí điểm triển khai các dạng hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời trên các tuyến phố, thực hiện được các công trình thu nước mưa, xây dựng mô hình 'góc quảng cáo rao vặt trực tuyến'… đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ Hà Nội trong thực hiện xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.

 Anh Hà Trần Trung - Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) nêu kiến nghị tại Hội nghị đối thoại. Ảnh: Tuyết Linh

Anh Hà Trần Trung - Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) nêu kiến nghị tại Hội nghị đối thoại. Ảnh: Tuyết Linh

Sử dụng năng lượng mặt trời chiếu sáng các tuyến phố

Trong khuôn khổ chương trình Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) TP Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029, Hội nghị đối thoại thanh niên Thủ đô với chủ đề: “Thanh niên tham gia xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại” được tổ chức. Hội nghị được chủ trì bởi Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, cùng tham dự có đại diện lãnh đạo thuộc sở, ban, ngành trên nhiều lĩnh vực và 400 thanh niên ưu tú của Thủ đô.

Tại Hội nghị đối thoại với thanh niên Thủ đô năm 2024 thuộc nhóm vấn đề “Hà Nội xanh”, những kiến nghị về xây dựng công trình xanh được đại biểu và nhiều đoàn viên, thanh niên ưu tú lưu tâm và đề xuất, hiến kế nhiều giải pháp thiết thực.

Nổi bật trong chủ đề “Hà Nội xanh” là kiến nghị về sử dụng năng lượng mặt trời trong chiếu sáng đô thị và xây dựng các công trình thu nước mưa để giải quyết vấn đề ngập úng nội đô.

Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Trần Trung đã đề xuất một số giải pháp trong việc nghiên cứu, khảo sát, thí điểm triển khai các dạng hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời trên các tuyến phố Thủ đô.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong đánh giá cao những hiến kế của đại biểu Hà Trần Trung. Đó là những đề xuất và hiến kế hết sức có ý nghĩa. Việc ứng dụng năng lượng mặt trời vào chiếu sáng các tuyến phố sẽ góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị và chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong trao đổi cùng đại biểu. Ảnh: Tuyết Linh

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong trao đổi cùng đại biểu. Ảnh: Tuyết Linh

Năng lượng mặt trời là năng lượng tái tạo góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, thân thiện với môi trường. Sở Xây dựng Hà Nội thông tin thêm về quá trình nghiên cứu và kế hoạch thí điểm lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại một số tuyến phố trọng điểm.

Lượng nắng ở TP Hà Nội dao động 1.500 – 1.700 giờ trong một năm, thấp hơn so với cả khu vực miền Trung và miền Nam 2.000 – 2.600 giờ. Thời điểm từ tháng 10 - tháng 4 năm sau, thời tiết miền Bắc không có nhiều nắng. Hệ thống chiếu sáng công cộng tại một số đường lớn cần quy mô rất lớn. Đây là những vấn đề chính mà Sở đang dành thời gian nghiên cứu, thảo luận để đảm bảo tính khả thi trong công tác thí điểm, triển khai sử dụng năng lượng mặt trời.

Với mục tiêu: TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, có 50% số tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED, giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Võ Nguyên Phong cũng đã lưu ý thêm các nội dung liên quan đến công tác thí điểm, kế hoạch chi tiêu sử dụng và xử lý pin năng lượng mặt trời sau khi sử dụng, những quy chuẩn và tiêu chuẩn hệ thống đèn chiếu sáng chạy bằng pin mặt trời.

Anh Nguyễn Duy Khánh - Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Gia Lâm tâm huyết mang đến hội nghị nhiều giải pháp mới, thiết thực. Ảnh: Tuyết Linh

Anh Nguyễn Duy Khánh - Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Gia Lâm tâm huyết mang đến hội nghị nhiều giải pháp mới, thiết thực. Ảnh: Tuyết Linh

Khắc phục tình trạng ngập úng nội đô

Tình trạng ngập úng nội đô luôn là vấn đề nhức nhối và đáng quan tâm. Đồng chí Nguyễn Duy Khánh, Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Gia Lâm nêu quan điểm: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ là do cơ sở hạ tầng bê tông hóa khiến nước không được thẩm thấu dẫn đến tình trạng quá tải xả thải nước”. Từ đó, đồng chí cũng kiến nghị, đề xuất một số giải pháp: dành quỹ đất để xây dựng các công trình thu nước, xây dựng vỉa hè với các vách thoát nước, sử dụng công nghệ bê tông thấm nước.

Trao đổi về kiến nghị, đề xuất của thanh niên Thủ đô, không chỉ khắc phục vấn đề ngập úng, việc thực hiện được các công trình thu nước mưa sẽ góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nước tưới tiêu, phục vụ nông nghiệp, giảm thiểu lũ lụt, ô nhiễm môi trường và các vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong bày tỏ sự đồng tình về tính linh hoạt của giải pháp xây dựng công trình thu nước.

Về công tác triển khai công trình thu nước, TP Hà Nội sẽ xây dựng và tách biệt hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải. Thành phố sẽ tận dụng nước mưa trong quá trình sản xuất nông nghiệp và làm sống lại một số con sông. Đồng thời, để giải quyết tình trạng ngập úng, thành phố đẩy mạnh xây dựng các bể chứa nước tại trường học, trồng thêm cỏ, hoa trên các vỉa hè để tạo thêm diện tích thấm nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định “Tôi đánh giá các ý kiến, kiến nghị và những trao đổi giữa đại diện sở, ban, ngành và các bạn Đoàn viên, thanh niên rất toàn diện, đúng trọng tâm và cần được sát sao quan tâm, thực hiện”.

Ngoài ra, trong chủ đề “Hà Nội xanh” các câu hỏi về giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp nhân rộng mô hình quảng cáo rao vặt trực tuyến đã góp phần thể hiện được tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết của lớp trẻ trong việc cống hiến, góp trí tuệ và sức lực để Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp.

Tuyết Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thanh-nien-hien-ke-giai-phap-xanh-khac-phuc-tinh-trang-ngap-ung-noi-do-ha-noi-398119.html