Thanh niên - lực lượng tiên phong trong cuộc chiến chống mua bán người

Tọa đàm 'Kết nối hành động: Không để ai lại phía sau trong công tác phòng, chống mua bán người' đã làm rõ những xu hướng mới của tội phạm mua bán người, đồng thời khẳng định vai trò then chốt của thanh niên, công nghệ và hợp tác quốc tế trong cuộc chiến này.

Sáng 28/7, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức tọa đàm và triển lãm với chủ đề “Kết nối hành động: Không để ai lại phía sau trong công tác phòng, chống mua bán người”. Sự kiện được tổ chức nhân "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" năm 2025.

Đây là dịp nhấn mạnh vai trò của cộng đồng và cơ quan thực thi pháp luật trong việc xóa bỏ một trong những loại hình tội phạm có tổ chức nguy hiểm nhất hiện nay. Chủ đề của năm nay là: “Mua bán người là hoạt động tội phạm có tổ chức - Hãy cùng hành động để chấm dứt các hình thức bóc lột!”

Đại tá Lê Hoàng Dương - Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, phát biểu khai mạc sự kiện.

Đại tá Lê Hoàng Dương - Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, phát biểu khai mạc sự kiện.

Sự kiện có sự tham dự của đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ, tổ chức Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và chuyên gia an ninh mạng. Mục tiêu chính là nâng cao nhận thức cộng đồng trước những xu hướng mới, tinh vi của tội phạm mua bán người; vận động tăng cường năng lực của cơ quan thực thi pháp luật; phát huy vai trò công nghệ và sự hỗ trợ nạn nhân lấy con người làm trung tâm.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Đại tá Lê Hoàng Dương - Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an nhấn mạnh, tác động tiêu cực của tội phạm mua bán người không chỉ đối với an ninh, trật tự mà còn kéo theo hàng loạt tội phạm liên quan như nhập cư trái phép, lao động bất hợp pháp, mại dâm, ma túy và lừa đảo trực tuyến…

Theo Đại tá Lê Hoàng Dương, công tác phòng, chống phải đặt trọng tâm vào tuyên truyền, giáo dục, nhận diện thủ đoạn tội phạm và bảo vệ nạn nhân. Đặc biệt, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đã bổ sung nguyên tắc “lấy nạn nhân làm trung tâm”, mở rộng đối tượng được bảo vệ và quy định chế độ hỗ trợ cụ thể. Đây là bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em - những nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Tại buổi tọa đàm, bà Mitsue Pembroke - Quyền Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc cải thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ nạn nhân. Bà Mitsue Pembroke cho rằng, việc sửa đổi luật đã đặt nền móng cho một phản ứng toàn diện, phù hợp với thực tiễn và bối cảnh quốc tế. Trong bối cảnh thanh niên và lao động trẻ ngày càng dễ trở thành mục tiêu của các đường dây buôn người, họ cũng chính là lực lượng có thể tạo ra thay đổi tích cực.

 Các đại biểu tham dự sự kiện.

Các đại biểu tham dự sự kiện.

Còn theo bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, sự sáng tạo và khả năng làm chủ công nghệ của giới trẻ là chìa khóa để phát triển các giải pháp đổi mới trong phòng, chống tội phạm. Bà Pauline Tamesis cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị đăng cai Lễ ký kết Công ước Hà Nội - hiệp ước toàn cầu đầu tiên về phòng, chống tội phạm mạng, đánh dấu bước ngoặt lớn trong hợp tác quốc tế, đặc biệt với các tội phạm sử dụng công nghệ cao trong việc mua bán người.

Tình hình tội phạm mua bán người tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay rất phức tạp. Sau đại dịch COVID-19, Đông Nam Á chứng kiến sự bùng phát các khu tổ hợp lừa đảo, nơi các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia lợi dụng công nghệ để cưỡng ép nạn nhân thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến. Theo báo cáo của IOM, số ca nạn nhân bị mua bán và được IOM hỗ trợ tại khu vực này đã tăng gấp 3 lần, từ 296 ca (năm 2022) lên 978 ca (năm 2023).

Thủ đoạn của các băng nhóm tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, nhắm vào thanh niên có học thức với lời hứa hẹn công việc hấp dẫn, thu nhập cao. Sau khi đưa nạn nhân ra nước ngoài, các đối tượng tịch thu giấy tờ, cưỡng ép lao động, thậm chí lạm dụng và đánh đập. Họ buộc nạn nhân thực hiện các hành vi lừa đảo như đầu tư giả, lừa tiền mã hóa, giả mạo nhân thân để chiếm đoạt tài sản, trong đó nổi bật là các mô hình lừa tình, lừa tiền qua mạng xã hội.

Trước thực tế đó, các tham luận tại buổi tọa đàm nhấn mạnh vai trò trung tâm của thanh niên, không chỉ là nhóm dễ bị tổn thương mà còn là nhân tố chủ lực trong phòng, chống tội phạm mua bán người. Việc đầu tư vào giáo dục kỹ năng số, nâng cao nhận thức và tạo cơ hội cho giới trẻ tham gia hành động vì cộng đồng là cách tiếp cận hiệu quả và bền vững.

Cùng với tọa đàm, triển lãm “Phát hiện dấu hiệu - Ngăn chặn tội ác” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) cũng thu hút sự chú ý của công chúng. Không gian triển lãm kết hợp giữa số liệu thực tiễn, hình ảnh trực quan và những câu chuyện có thật của các nạn nhân, giúp người tham dự nhận diện được các dấu hiệu buôn người, nâng cao cảnh giác và biết cách bảo vệ bản thân. Triển lãm mở cửa từ ngày 27/7 đến ngày 4/8.

Hồng Nguyên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/thanh-nien-luc-luong-tien-phong-trong-cuoc-chien-chong-mua-ban-nguoi-181682.html