Thanh niên mang trọng tội ân hận vì làm chị gái dang dở tình duyên

Bị kết án 18 năm tù vì tội Giết người nhưng điều khiến Phùng Văn Cường, SN 1987 ở Cẩm Phượng, Ba Vì (TP Hà Nội) áy náy là khiến chị gái lỡ dở chuyện tình duyên. Với lý lịch có người thân vi phạm pháp luật, chị gái Cường không thể nên vợ chồng với người mình yêu thương…

Bước ngoặt đầu đời

Chăm chú làm việc, Cường khiến người ta liên tưởng tới một công nhân lành nghề, chăm chỉ chứ không phải là một tội nhân. Ấy vậy mà Cường lại mang trọng tội và 18 năm tù trong trại cải tạo chính là sự trả giá cho tội lỗi ấy.

Nhắc lại chuyện cũ, gương mặt khôi ngô của Cường khẽ nhăn lại, cảm giác tội lỗi như ùa về trong dáng ngồi hơi khom của nam phạm nhân trẻ tuổi này.

Theo lời Cường thì anh ta sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ làm nông nghiệp. Nhà có hai chị em tính nết hoàn toàn trái ngược nhau. Chị gái Cường học giỏi và chăm chỉ, do vậy sau khi tốt nghiệp phổ thông đã thi đỗ vào một trường báo chí. Còn Cường thì bướng bỉnh và ngỗ nghịch. Mặc dù cũng học hết phổ thông nhưng lực học có hạn nên không thể tiếp tục học lên cao. Sợ con ở nhà lông bông rồi hư hỏng, bố mẹ Cường có ý định cho con đi học nghề. Tất nhiên là Cường đồng ý nhưng với điều kiện được học nghề mà mình yêu thích.

“Bố mẹ tôi đồng ý ngay vì nghĩ đó là nguyện vọng chính đáng. Tôi cũng cho rằng nghề lái xe hợp với mình hơn. Ai ngờ….”, Phùng Văn Cường tâm sự.

Trong lúc chờ giấy gọi đi học thì Cường đã gây ra chuyện. Thanh niên này tham gia vào một vụ đánh nhau dẫn tới chết người và bị kết án. Nhận mức án 18 năm tù, Cường về trại giam Suối Hai cải tạo.

Nhớ lại những ngày trong trại tạm giam chờ xét xử, Cường bảo đó là thời gian anh ta khủng hoảng tâm lý nhất.

“Đêm đầu tiên ở buồng tạm giam tôi không sao ngủ được. Những người cùng buồng cũng tâm trạng như vậy. Họ bảo tôi cứ thức thoải mái đi, đến lúc mắt díp lại khắc buồn ngủ”, Cường kể. Anh ta cho biết, do gia đình nạn nhân kháng cáo rồi những người cùng vụ với Cường có đơn nên vụ án kéo dài tới 2 năm mới có hồi kết. Sau 2 năm ở trại tạm giam, Cường mới đi trả án, thời gian chưa được 3 năm nên dịp 2-9 vừa qua chưa đủ điều kiện xét giảm.

Hỏi về cảm giác lần đầu nhận mức án, nam phạm nhân này trầm ngâm: “Tôi vẫn không ngờ tội của mình lại nặng đến thế. Lúc nghe phán quyết của tòa, tôi tưởng mình nghe nhầm”.

Cường và các phạm nhân trong đội đang cải tạo lao động.

Cường và các phạm nhân trong đội đang cải tạo lao động.

Ân hận thì đã muộn

“Ngày bị bắt, chị gái tôi vừa ra trường, cũng bắt đầu thời gian xin việc nhưng đau nhất là tại tôi mà chị ấy và người yêu chia tay”, Cường kể.

Theo lời nam phạm nhân này thì sau khi tốt nghiệp ra trường, chị gái Cường xin vào làm việc cho một công ty truyền thông. Công việc tuy có vất vả nhưng thu nhập cũng tương đối ổn định nên cũng giúp đỡ được cha mẹ. Cường cải tạo cách nhà không xa nên cứ hai tháng, chị gái lại cùng bố mẹ vào thăm. Và qua những lần thăm gặp ấy mà Cường biết được chuyện tình dang dở của chị.

“Người yêu chị ấy công tác trong lực lượng vũ trang, đương nhiên nếu lấy vợ, xét về lý lịch thì không thể lấy chị gái tôi được. Tôi ân hận vì điều này lắm”, Cường kể.

Theo lời nam phạm nhân này, mặc dù phải chia tay mối tình sâu nặng của mình trong ngậm ngùi nhưng chị gái Cường giấu biệt chuyện riêng tư của mình không nói cho Cường biết. Thậm chí chị còn dặn bố mẹ khi vào thăm Cường, nếu em trai có hỏi cũng đừng nói gì. Thế nhưng bằng linh cảm, Cường đã nhận ra.

“Thời gian đầu vì đau khổ và suy sụp nên chị không vào thăm tôi. Tôi đã trách chị rất nhiều vì cho rằng chị vô tâm, không nghĩ đến tình cảnh của tôi. Tôi có hỏi bố mẹ về chị thì mọi người bảo chị vừa mới xin việc nên chưa bố trí thời gian được. Mãi sau này thấy chị lấy người khác, tôi bắt đầu lờ mờ hiểu ra”, Cường kể.

Về trại giam Suối Hai cải tạo, thời gian đầu Cường lao động ở đội làm mi mắt, một năm sau thì chuyển sang đội khâu bóng. Cường học việc rất nhanh và chỉ sau vài tuần còn bỡ ngỡ, đến nay Cường đã làm việc thành thạo, tháng nào cũng vượt chỉ tiêu đề ra. Hỏi về dự định trong tương lai, nam thanh nhiên này bảo sau này ra trại vẫn đi học nghề lái xe để nếu không xin được việc thì cũng có thể giúp cha mẹ trong việc làm trang trại.

“Bố mẹ tôi không cấy ruộng nữa rồi vì thấy không kinh tế. Giờ gia đình tôi chuyển sang nuôi cá và trồng hoa. Tôi nghĩ học nghề lái xe để sau này sẽ chở hàng hóa làm ra đưa đi các chợ đầu mối đổ buôn cho các đại lý hoặc bán lẻ. Có nghề vẫn hơn chị ạ”, Cường tâm sự.

Cường bảo lúc ở nhà chỉ suy nghĩ đơn giản là đi học nghề để vui chúng vui bạn và giết thời gian nhưng khi vào trong này rồi mới ý thức được trách nhiệm và cuộc sống của mình. Cường bảo rất ân hận vì đã làm khổ bố mẹ và làm hai người con gái liên lụy. Hai người con gái ấy chính là chị của Cường và một người là bạn gái của anh ta.

“Người yêu tôi nhà ở Hà Nội. Ngày tôi còn ở trại tạm giam, cô ấy có vào thăm tôi một lần nhưng bây giờ thì không còn liên lạc nữa”, Cường kể.

Theo lời Cường thì sau lần vào thăm gặp, người yêu Cường đã động viên rất nhiều và hứa hẹn sẽ chờ đợi. Nhưng rồi những lá thư thăm hỏi cứ vơi dần. Mãi tới đầu năm vừa rồi, Cường mới biết cô đã đi du học. Hỏi Cường có dự định gì với bạn gái, anh ta cười rằng mọi chuyện cứ để diễn ra tự nhiên. Điều Cường mong mỏi lúc này nhất là cải tạo thật tốt để sớm được ra trại.

“Mọi việc không thể muốn là được. Điều cốt yếu nhất là bây giờ tôi vẫn còn trong trại cải tạo. Dù có mong ước thế nào thì tôi phải là một công dân bình thường đã rồi mới tính đến những việc khác”, Cường bộc bạch.

Câu nói này của Cường xem ra cũng có lý bởi anh ta vào trại cải tạo từ cuối năm 2016, đến nay còn chưa đủ điều kiện để xét giảm án lần đầu thì những dự tính của ngày ra trại vẫn còn xa lắc. Cường bảo nếu giả dụ người yêu đi lấy chồng, anh ta cũng không hề trách móc. Anh ta bảo mỗi khi nhớ người yêu, chỉ “cầu chúc cho cô ấy được hạnh phúc”. Với anh ta bây giờ chỉ còn duy nhất một mục đích là cải tạo tốt. Phải chăng sau vấp ngã vừa rồi và những đau khổ gây ra cho người thân, Cường đã biết quý trọng tình ruột thịt và xác định được việc gì cần phải làm lúc này.

“Lắm lúc nghĩ lại, tôi thấy mình thật nông nổi và thấy tiếc cho tuổi trẻ của mình. Giá như đêm đó tôi không đi chơi để không bị cuốn vào cuộc đánh nhau ấy thì cuộc đời đã không như này. Mỗi khi nghĩ đến, tôi luôn coi đó là bài học nhắc nhở mình đừng phạm thêm một sai lầm nào nữa”, Phùng Văn Cường tâm sự.

Xem ra đó không chỉ là bài học dành riêng cho Cường mà đáng để nhiều người, nhất là những thanh niên mới lớn hãy suy nghĩ, cân nhắc trước khi làm một việc gì đó bồng bột, nông nổi để rồi ân hận, nuối tiếc.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thanh-nien-mang-trong-toi-an-han-vi-lam-chi-gai-dang-do-tinh-duyen-167488.html