Thanh niên Trung Quốc 'mất ngủ hàng đêm' vì khó tìm việc làm

Những người trẻ mới ra trường của quốc gia tỷ dân đã phải vật lộn với thị trường việc làm khó khăn trong nhiều năm, nhưng kể từ sau khi đại dịch bủng nổ, tình hình đã xấu đi đáng kể.

 Tình trạng thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đang được các nhà kinh tế theo dõi chặt chẽ.

Tình trạng thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đang được các nhà kinh tế theo dõi chặt chẽ.

Tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục

Zhang, sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học, đã không tìm được việc làm trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường mà cô đã chọn mặc dù đã gửi hàng nghìn hồ sơ xin việc cho các nhà tuyển dụng Trung Quốc. Cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều tháng đã gây “tổn hại về mặt tinh thần” cho cô gái 23 tuổi.

"Sau khi tốt nghiệp, tôi thấy rằng áp lực thực sự rất lớn. Cứ mười hồ sơ tôi gửi đi thì tôi nhận được một phản hồi", Zhang trả lời phỏng vấn AFP khi tham gia một hội chợ tuyển dụng ở Bắc Kinh vào cuối tuần qua.

Zhang là một trong số hàng triệu sinh viên tốt nghiệp vừa “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường việc làm của Trung Quốc vào thời điểm tỉ lệ thanh niên thất nghiệp tăng vọt.

Vào tháng 6, dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi từ 16-24 tuổi ở mức 21,3%, là tháng thứ 3 liên tiếp đạt mức cao kỷ lục.

Cơ quan thống kê Trung Quốc hồi đầu tuần trước bất ngờ tuyên bố sẽ ngừng công bố số liệu định kỳ hàng tháng về tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ trong độ tuổi 16-24, khiến công chúng hoài nghi và lo ngại về tình trạng thất nghiệp của thanh niên ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tại các hội chợ nghề nghiệp ở Bắc Kinh tuần này, những người tham dự đã mô tả thị trường việc làm là một bối cảnh đầy thách thức đối với những ứng viên chưa có kinh nghiệm muốn tìm được công việc đầu tiên hoặc thứ hai.

Yang Yao, một thanh niên 21 tuổi thất nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, đã thất vọng sau khi xem các quảng cáo tại một hội chợ ở trung tâm Bắc Kinh hôm 17/8, nơi các nhà tuyển dụng chủ yếu tìm kiếm nhân viên cho các vị trí hành chính và bán hàng được trả lương thấp.

Yang đã bỏ công việc trước đây ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc để chuyển đến sống gần gia đình hơn ở Bắc Kinh, và hiện đang rất lo lắng về triển vọng của mình sau vài tuần tìm kiếm không có kết quả.

"Mỗi đêm tôi đều lo lắng tới mất ngủ, nếu không tìm được việc làm thì tôi sẽ không có tiền để trang trải", Yang chia sẻ với AFP.

Một nữ sinh viên người Tứ Xuyên đã bỏ việc hồi đầu năm nay để đi học tiếp thạc sĩ. Cô hy vọng được trả lương cao hơn sau khi hoàn thiện khóa học, tuy nhiên cô thừa nhận việc đó sẽ không dễ dàng.

“Tôi nhận thức được rằng các doanh nghiệp muốn tuyển những người mới tốt nghiệp, vì những người này dễ chấp nhận mức lương thấp và dễ sai việc. Dù sao thì cũng có quá nhiều người có bằng thạc sĩ. Hiện chúng tôi vẫn trong thời kỳ hậu Covid-19, kinh tế bị chững lại, các doanh nghiệp đầu tư ít hơn, nên sẽ khó để tìm một việc làm tử tế”, cô chia sẻ.

Suy thoái hậu Covid-19

Trong suốt thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược “zero-covid” một cách cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của dịa bệnh, tuy nhiên, cách tiếp cận này đã gây ra những hậu quả nặng nề lên nền kinh tế của nước này.

Tới đầu năm nay, Trung Quốc đã chính thức dỡ bỏ cách ly, mở cửa biên giới, đồng thời, bãi bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đại dịch, chấm dứt chiến lược zero-covid. Để vực dậy nền kinh tế, Trung Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm.

Tuy nhiên, đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại trong vài tháng trở lại đây. Việc nhu cầu của người tiêu dùng yếu cũng khiến các công ty không muốn tuyển dụng thêm nhân sự.

Jing Liu, nhà kinh tế trưởng của Trung Quốc Đại lục tại ngân hàng HSBC, đã chỉ ra rằng: “Dữ liệu hoạt động gần đây cho thấy sự phục hồi đang bị đình trệ. Điều này đã được phản ánh bởi dữ liệu thị trường lao động”.

Xie Wei, giám đốc tuyển dụng 39 tuổi tại một công ty dịch vụ viễn thông, nói với AFP rằng các công ty vẫn còn tồn tại sau 3 năm gián đoạn kinh doanh trong thời kỳ đại dịch hiện đã kén chọn hơn khi tiếp nhận nhân viên mới. Điều họ chú trọng hơn cả đó là duy trì công ty còn hoạt động.

Trung Quốc trong những tuần gần đây đã công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng, bao gồm các lễ hội và sự kiện thể thao quy mô lớn, cũng như tăng chi tiêu cho các dịch vụ liên quan đến ăn uống và chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và người sử dụng lao động.

Quá trình phục hồi hậu Covid-19 của Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn hơn so với những gì mà hầu hết các nhà phân tích Phố Wall dự đoán. Thị trường bất động sản “ốm yếu”, nợ của chính quyền địa phương tăng cao và chi tiêu của người tiêu dùng yếu đã buộc Bắc Kinh phải hạ lãi suất và đưa ra các biện pháp kích thích mạnh để thúc đẩy nền kinh tế.

Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc đã giảm đáng kể. Ngoài ra còn có những lo ngại về bong bóng nợ của chính quyền địa phương và thị trường nhà đất.

Tình trạng thất nghiệp của thanh niên đang được các nhà kinh tế theo dõi chặt chẽ, khi mà con số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học dự kiến sẽ gia nhập thị trường việc làm Trung Quốc trong năm nay.

Thanh Tú

Theo AFP

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/thanh-nien-trung-quoc-mat-ngu-hang-dem-vi-kho-tim-viec-lam-20180504224287957.htm