Thanh niên Trung Quốc: Ở lại thành phố thất nghiệp hay về quê tìm việc?

Để giải quyết tình trạng thất nghiệp, chính quyền tỉnh Quảng Đông, hiện là tỉnh giàu nhất Trung Quốc trong hơn 30 năm qua, đã lên một kế hoạch gây tranh cãi: gửi 300.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, thanh niên đến các làng nông thôn trong 2-3 năm để tìm việc làm và hồi sinh nền kinh tế địa phương. Chiến dịch này cùng với nỗi thất vọng của sinh viên với khả năng tìm kiếm việc làm ở thành phố sau nhiều năm đèn sách đang làm dấy lên một cuộc thảo luận trên các mạng xã hội.

Sinh viên Trung Quốc chật vật tìm việc ở thành phố. Ảnh: INT

Sinh viên Trung Quốc chật vật tìm việc ở thành phố. Ảnh: INT

300.000 sinh viên sẽ “về quê” tìm việc

Theo kế hoạch trên, đến cuối năm 2025, sẽ có 300.000 thanh niên được đào tạo nâng cao tay nghề "trở về nông thôn để phát triển nông thôn". Trong số những người tham gia, 10.000 người dự kiến sẽ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, trong khi 10.000 người khác sẽ nhận được sự giúp đỡ để thành lập doanh nghiệp mới.

Thông báo này được đưa ra sau lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 12 năm ngoái về việc thanh niên thành thị tìm kiếm việc làm ở các vùng nông thôn trong nỗ lực "phục hồi nền kinh tế nông thôn".

Kế hoạch của giới chức tỉnh Quảng Đông đưa ra trong bối cảnh dữ liệu Cục Thống kê Trung Quốc công bố cho thấy tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16-24 ở nước này trong tháng 3 là 19,6%, tăng gần 3% so với cách đây ba tháng và cao nhất kể từ khi chỉ số này được ghi nhận (2018).

Điều đó có nghĩa là khoảng 11 triệu thanh niên thất nghiệp ở các thành thị Trung Quốc, theo tính toán của CNN dựa trên dữ liệu có sẵn gần đây nhất từ Cục Thống kê Trung Quốc.

CNN cho rằng tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên có thể tăng hơn nữa. Hơn 11,6 triệu sinh viên đại học sắp tốt nghiệp trong năm nay có nguy cơ thất nghiệp trước bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch Covid-19.

Thị trường việc làm tại Trung Quốc vốn đã khắc nghiệt, với gần 20% thanh niên không có việc làm. Số lượng người di cư vào cuối tháng 3 đã tăng 2,3% so với một năm trước đó và tăng 3,1% so với cuối tháng 3.2019 tức là trước khi Covid-19 bùng phát.

Trong khi đó, theo trang Sina, một trong những lý do khiến thị trường lao động trầm lắng là do sản xuất chậm chạp. Lạm phát làm giảm nhu cầu ở nước ngoài đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 3 tăng trưởng với tốc độ 3,0%, chậm lại so với mức tăng trưởng hàng năm là 3,6% vào năm 2022.

Sinh viên vỡ mộng là do đâu?

Theo CNN, lao động trẻ Trung Quốc hiện nay được nhận sự đào tạo tốt nhất trong nhiều thập niên qua với số lượng kỷ lục sinh viên mới ra trường. Thế nhưng tình hình thực tế đã khiến nhiều bạn trẻ vỡ mộng trong bối cảnh kinh tế giảm tốc.

Việc cố bám trụ lại thành phố trong khi không có đủ việc làm khiến ngày càng nhiều thanh thiếu niên nghi ngờ về giá trị của tấm bằng đại học.

Giờ đây các sinh viên ra trường sẽ buộc phải lựa chọn cố gắng tìm kiếm việc văn phòng ở thành phố nhưng đối mặt rủi ro thất nghiệp, hoặc rũ bỏ ánh hào quang đại học để về quê...chăn bò hay làm lao động chân tay, vốn là điều họ đã cố gắng tránh khi lựa chọn đi học.

“Giới trẻ Trung Quốc nhận ra tấm bằng đại học sẽ chẳng giúp họ gia tăng vị thế xã hội nhiều hay đảm bảo nhiều cơ hội việc làm hơn. Thậm chí nhiều sinh viên còn nhận định những gì họ học được có khi còn chẳng hữu dụng nữa”, chuyên gia Craig Singleton của Viện FDD đánh giá.

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các xu thế “nằm thẳng” (Flying Flat) hay “mặc kệ sự đời” (Letting it Rot), khi giới trẻ từ bỏ ý chí xây dựng sự nghiệp, chỉ làm vừa đủ nhu cầu để hưởng thụ tại Trung Quốc.

Câu chuyện giới trẻ Trung Quốc thiếu việc làm đã làm nổ ra tranh cãi lớn trên mạng xã hội khi nhiều người cho rằng sinh viên thời nay đang đặt ra yêu cầu quá cao khi chỉ thích công việc văn phòng nhàn hạ, lương cao, có cơ hội thăng tiến trên thành phố mà bỏ qua thị trường vùng quê đang khát lao động, hoặc các nhà máy thiếu thợ.

Trong một bài đăng trên WeChat của Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc (CYL) đã khuyến khích lao động trẻ bỏ “cái tôi” xuống, xắn tay áo lên và về các vùng quê tìm việc.

“Sinh viên theo học đại học là để tránh làm lao động cổ cồn xanh. Đây không phải là chảnh chọe. Họ sẽ không hy sinh tuổi thanh xuân trên ghế nhà trường nếu có thể sống tốt bằng chứng chỉ dạy nghề hay bằng cấp 3”, phó giáo sư John Donaldson của trường đại học quản lý Singsapore (SMU) phản bác.

Hiện việc lao động trẻ Trung Quốc thiếu việc làm là một thực tế đang khiến các nhà hoạch định chính sách phải đau đầu. Chưa rõ chiến dịch đưa thanh niên về quê lao động tay chân có hiệu quả hay không nhưng động thái này vẫn đang gây ra khá nhiều tranh cãi trong giới trẻ.

Quỳnh Vũ (Theo CNN)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/thanh-nien-trung-quoc-o-lai-thanh-pho-that-nghiep-hay-ve-que-tim-viec--i326459/