Thành phố cảng Hải Phòng khai thác lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI

Hải Phòng đã có chiến lược phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh, bền vững - những nền tảng mang lại lợi thế cạnh tranh nổi trội của thành phố cảng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Một góc Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. (Nguồn: TTXVN phát)

Một góc Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. (Nguồn: TTXVN phát)

Hải Phòng là địa phương có những khu công nghiệp xanh triển khai đầu tiên của cả nước.

Thành phố cũng đã có chiến lược phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh, bền vững. Đây là những nền tảng mang lại lợi thế cạnh tranh nổi trội của thành phố cảng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Lợi thế vượt trội

Hải Phòng hiện có 2 khu công nghiệp xây dựng theo mô hình sinh thái là Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền và Khu công nghiệp DEEP C.

Cuối tháng 12/2024, Chính phủ phê duyệt đề án thành lập Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng với hướng phát triển xanh, tuần hoàn với 6 khu công nghiệp theo hướng xanh, sinh thái, thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp sạch, phát thải thấp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên.

Theo ông Brono Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C (DEEP C), đã có 5 năm áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái và đã đạt những cột mốc quan trọng.

Cụ thể, DEEP C đã thành công trong việc thuyết phục 18 nhà đầu tư thứ cấp (tương đương 13% số khách hàng tại thời điểm bắt đầu triển khai) tham gia vào chương trình đánh giá sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, cam kết thực hiện 85 giải pháp về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước và giảm phát thải khí thải.

Chương trình này đã giúp tiết kiệm mỗi năm được khoảng 5,7 triệu kWh điện, 90.000 m3 nước và giảm phát thải 10.000 tấn CO2.

Cùng đó, DEEP C áp dụng nhiều giải pháp khác hướng tới phát triển bền vững như thay thế chai nước dùng một lần bằng các chai nước cá nhân trong các cuộc họp.

Trong năm 2024, sáng kiến này giúp giảm 399kg chất thải nhựa và 0.33 tấn carbon dioxide. Các dự án sản xuất điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 5,38MWp, tạo ra gần 6.000MWh điện hàng năm và đang chờ được phê duyệt mở rộng dự án.

Đồng thời, DEEP C cũng đang chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện giao thông bằng điện thay thế cho phương tiện chạy bằng xăng dầu truyền thống cùng một số giải pháp khác...

DEEP C đang tiếp tục mở rộng dự án phát triển năng lượng tái tạo nhằm thay thế 50% năng lượng có nguồn gốc từ nguyên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo vào năm 2040; tập trung giải pháp hạ tầng thuận tự nhiên để thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nâng cao khả năng chống chịu và tăng cường phát triển bền vững...

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Shinec (chủ đầu tư Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền), cho biết Khu công nghiệp này có diện tích hơn 263 ha với hơn 80 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất đa dạng lĩnh vực và ngành nghề. Do đó, mọi sự tác động lớn, nhỏ của khu công nghiệp đều làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái và môi trường sống xung quanh. Để giải quyết vấn đề này, Shinec đã quy hoạch khu công nghiệp theo hướng kết nối hài hòa với thiên nhiên, giảm tối đa tác động môi trường.

Trên cơ sở đó, các dự án của doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải đáp ứng yêu cầu đáp ứng tỷ lệ cây xanh ít nhất là 20%.

Mặt khác, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cũng tuân thủ đầy đủ quy định đảm bảo tối thiểu tổng diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung đạt trên 30% tổng diện tích quy hoạch.

Nhờ vậy, 65% hệ sinh thái trong được phục hồi sau khi mô hình khu công nghiệp sinh thái được áp dụng triệt để tại Nam Cầu Kiền. Đã có 17 tiểu hệ sinh thái thuộc 2 nhóm trên cạn và thủy vực nội địa với số lượng 1.200 loài sinh vật được xây dựng và duy trì.

Theo tính toán của công ty, lượng khí thải được cắt giảm từ hoạt động của các loài cây xanh đạt khoảng 7.000 tấn CO2/năm, lượng khí thải dự kiến cắt giảm nhờ lắp đặt điện năng lượng mặt trời trên toàn khu công nghiệp có thể đạt tới 40.000 tấn CO2/năm; 25% lượng nước thải trong khu công nghiệp sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả ra ngoài môi trường, tiết kiệm được 600 triệu đồng mỗi năm chi phí mua nước sạch.

Đến năm 2025, Nam Cầu Kiền sẽ tham gia thí điểm thị trường carbon, đạt mục tiêu giảm 50% tổng lượng phát thải và triển khai chính thức tuần hoàn nước thải.

Tăng năng lực cạnh tranh

Mới đây, tại hội thảo "Chuyển đổi xanh trong khu công nghiệp để phát triển bền vững thành phố Hải Phòng" do Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức, tất cả đại biểu đều khẳng định, chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu có tính đến thuế cacbon.

Bên cạnh đó, phát triển xanh còn tạo ra môi trường làm việc hài hòa. Một trong những bộ tiêu chí được nhiều đại biểu đề cập là áp dụng ESG-Environment (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản lý) trong hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp.

 Người lao động tại các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Deep C Hải Phòng II hưởng ứng chương trình trồng cây xanh. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Người lao động tại các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Deep C Hải Phòng II hưởng ứng chương trình trồng cây xanh. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Ông Ko Tae Yeon, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Heesung Electronics Việt Nam, Chủ tịch Kocham Hải Phòng, cho biết áp dụng ESG cần được quan tâm hơn tại Việt Nam và áp dụng triệt để, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Minh chứng cho hiệu quả của áp dụng ESG, giai đoạn 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc UNIDO) triển khai thí điểm chuyển đổi 4 khu công nghiệp sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Từ năm 2020 đến 2024, mô hình này được nhân rộng tại Hải Phòng, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tăng trưởng GDP từ 0,8-7% và giảm khí thải từ 8-70%. Việc áp dụng ESG nên triển khai toàn bộ ở khu công nghiệp chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở các doanh nghiệp đơn lẻ. Điều này tác động tích cực đến phát triển bền vững của doanh nghiệp, ông Ko Tae Yeon dẫn chứng.

Tiến sỹ Nguyễn Trâm Anh, Quản lý chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu tại Việt Nam của UNIDO, cho biết thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy các khu công nghiệp sinh thái tạo ra nhiều lợi ích cả về về kinh tế, môi trường và xã hội. Đặc biệt, bằng cách giảm lượng khí thải CO2 từ hoạt động công nghiệp, tác động của các ngành công nghiệp đến biến đổi khí hậu có thể được giảm bớt.

Những lợi ích này không dừng lại ở phạm vi doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa chiến lược to lớn hơn. Cụ thể, khu công nghiệp sinh thái không chỉ giúp giảm rủi ro trong khai thác tài nguyên hay giảm áp lực lên khí hậu mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh uy tín với đối tác, cộng đồng.

Ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng, khẳng định Hải Phòng tự hào là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với sự phát triển bền vững. Thành phố Hải Phòng luôn nhất quán quan điểm, kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Hải Phòng đặt mục tiêu phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, vì sự phát triển bền vững của thành phố và các thế hệ tương lai.

Còn theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp và nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là một yêu cầu bắt buộc và là một lợi thế cạnh tranh mới.

Ông Lê Trung Kiên đưa ra 8 định hướng phát triển xanh trong các khu công nghiệp tại Hải Phòng như: kiên trì tuân thủ danh mục các ngành nghề và lĩnh vực đầu tư được khuyến khích, kiên quyết không chấp thuận các dự án gây ô nhiễm, lạc hậu hay tiêu tốn tài nguyên. Từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng sinh thái và bền vững, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và công nghệ carbon thấp.

Cùng đó, tập trung xây dựng mới các khu công nghiệp theo mô hình chuyên ngành, như sản xuất chất bán dẫn, chip, cơ khí chế tạo, điện tử, dự án sử dụng năng lượng tái tạo, logistics xanh, cảng xanh. Bên cạnh đó là giải pháp như ứng dụng khoa học công nghệ, giải pháp số, tiết kiệm năng lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-cang-hai-phong-khai-thac-loi-the-canh-tranh-trong-thu-hut-fdi-post1022988.vnp