Thành phố Đông Hà hướng đến nền công nghiệp hiện đại, bền vững

Công nghiệp sạch là định hướng ưu tiên phát triển cho các cụm công nghiệp (CCN), khu công nghiệp (KCN) hiện nay. Ở vai trò là đô thị trung tâm của tỉnh, TP. Đông Hà đã nỗ lực hướng đến phát triển công nghiệp sạch, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp địa phương.

Công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng

Với mục tiêu huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế đô thị; phát triển dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; phấn đấu đưa TP. Đông Hà sớm đạt đô thị loại II, từng bước trở thành thành phố thông minh.

 Sản xuất gỗ ván MDF tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà -Ảnh: L.N

Sản xuất gỗ ván MDF tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà -Ảnh: L.N

Nhằm hướng đến phát triển một ngành công nghiệp sạch, thời gian qua, trên lĩnh vực CN-TTCN thành phố đã đạt được những thành tựu quan trọng, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 33,6% trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Riêng trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của COVID-19, các doanh nghiệp trên địa bàn vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất. Địa phương đã phối hợp với tỉnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách khuyến công theo từng ngành để góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh, giá trị thương hiệu. Nhiều chương trình được doanh nghiệp quan tâm như hỗ trợ đổi mới máy móc, áp dụng khoa học-công nghệ, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), hỗ trợ đưa sản phẩm địa phương lên các sàn thương mại điện tử...Cùng với đó, hoạt động các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp nhìn chung ổn định, các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho người lao động.

Tại KCN Nam Đông Hà, đến thời điểm hiện tại có 37 dự án với tổng mức đầu tư: 2.277 tỉ đồng, tỉ lệ lấp đầy đạt 90,6%. Trong đó 25 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn 1.775,6 tỉ đồng, với diện tích 54,31 ha; 12 dự án đang triển khai xây dựng nhà máy với tổng mức 521,9 tỉ đồng, diện tích 14,19 ha. Tại các CCN của thành phố: CCN Quốc lộ 9D đã hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 với diện tích 10 ha. Các CCN Đông Lễ và Phường 4 đã lấp đầy và hoạt động ổn định với 23 dự án (18 dự án tại CCN Đông Lễ, 5 dự án tại CCN Phường 4), doanh thu năm 2021 đạt 65,7 tỉ đồng. Năm 2021 giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn toàn thành phố thực hiện 4.119,6 tỉ đồng, đạt 94,4% kế hoạch, tăng 5,8% so với năm 2020.

Hỗ trợ phát triển công nghiệp sạch

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, trong năm 2021, thành phố đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tiến hành khảo sát và hỗ trợ 6 dự án với kinh phí 440 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công tỉnh, 1 dự án với kinh phí 300 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công quốc gia; nguồn khuyến công thành phố hỗ trợ 5 dự án với kinh phí 200 triệu đồng. Qua đó góp phần giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thay đổi thiết bị máy móc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

 Công ty TNHH một thành viên Tiên Phong Quảng Trị thi công công trình nội thất cho khách hàng - Ảnh: T.LÊ

Công ty TNHH một thành viên Tiên Phong Quảng Trị thi công công trình nội thất cho khách hàng - Ảnh: T.LÊ

Công ty TNHH một thành viên Tiên Phong Quảng Trị chuyên sản xuất nhôm kính, nội thất, giải quyết việc làm cho 12 lao động trên địa bàn. Năm 2020, nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công quốc gia 300 triệu đồng, doanh nghiệp đã mua sắm máy móc, thiết bị tiên tiến để sản xuất các sản phẩm cửa nhựa lõi thép, cửa nhôm để nâng cao hiệu quả sản xuất. Giám đốc công ty Hoàng Văn Định cho biết: “Nhờ nguồn vốn khuyến công hỗ trợ đã giúp công ty mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Sau khi ổn định sản xuất, hiện tại công ty đang hoàn tất các thủ tục để chuyển vào CCN Đông Lễ. So với đóng trong khu dân cư, việc đưa doanh nghiệp vào CCN tạo điều kiện rất tốt để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện nhà xưởng, mở rộng sản xuất. Thời gian tới, tôi dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị, máy móc từng bước hiện đại hóa quy trình sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương”.

Đối với Công ty TNHH Quỳnh Anh Quảng Trị, sự hỗ trợ từ các đề án khuyến công chính là nguồn động viên lớn, tiếp thêm động lực để doanh nghiệp có bước phát triển mới trong những năm gần đây. Giám đốc công ty Nguyễn Văn Dũng chia sẻ thêm: “Nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ công ty trong việc ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ chế tạo khuôn mẫu cơ khí chính xác, chế tạo các chi tiết máy. Đồng thời hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị công nghệ cao để sản xuất, chế biến mộc mỹ nghệ. Chính sự hỗ trợ kịp thời từ chương trình khuyến công đã góp phần quan trọng để doanh nghiệp ngày càng phát triển. Cùng với đó, trong năm 2021, đơn vị chúng tôi còn được địa phương tạo điều kiện chuyển cơ sở sản xuất từ khu dân cư vào CCN Phường 4. Việc di dời các cơ sở sản xuất trong địa bàn khu dân cư vào CCN đã góp phần quan trọng trong đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”.

Xác định công nghiệp chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, những năm qua, TP. Đông Hà đã tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), trong đó hoạt động khuyến công được xem là giải pháp khuyến khích, động viên các cơ sở CN-TTCN có thêm động lực đầu tư phát triển sản xuất một cách có hiệu quả. Các hoạt động khuyến công chủ yếu hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, đồng thời hỗ trợ đầu tư mua sắm các thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp. Bình quân mỗi năm sẽ có từ 10-12 đơn vị trên địa bàn TP. Đông Hà được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công các cấp. Trong đó, nguồn vốn khuyến công thành phố hỗ trợ từ 30- 60 triệu đồng/đơn vị; khuyến công tỉnh hỗ trợ từ 70-100 triệu đồng/đơn vị và nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng/đơn vị. Hầu hết các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sau khi được hỗ trợ đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mua sắm thiết bị máy móc để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trên thị trường, hướng đến xây dựng một nền sản xuất hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất sạch hơn.

Tin tưởng rằng, với nhiều giải pháp mà TP Đông Hà đã triển khai trong hỗ trợ phát triển công nghiệp thời gian qua sẽ góp phần quan trọng vào quá trình phát triển ngành công nghiệp địa phương, hướng đến phát triển công nghiệp sạch và tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp.

Lệ Như

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=166447&title=thanh-pho-dong-ha-huong-den-nen-cong-nghiep-hien-dai-ben-vung