Thành phố Hải Phòng và Cảng Gothenburg (Thụy Điển) tăng cường hợp tác trong lĩnh vực logistics
Đoàn công tác của UBND thành phố Hải Phòng đã có buổi làm việc với Cảng Gothenburg - cảng biển lớn nhất khu vực Bắc Âu nhằm tăng cường hợp tác logistics. l
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại chính thức tại Thụy Điển và Phần Lan, sáng ngày 04/9/2024 (giờ Thụy Điển) tại Thụy Điển, Đoàn công tác của UBND Thành phố Hải Phòng do ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố dẫn đầu đã làm việc với Cảng Gothenburg - cảng biển lớn nhất khu vực Bắc Âu nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực logistics.
Tham dự buổi làm việc, về phía thành phố Hải Phòng còn có ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Sở Công Thương – Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Hội nhập quốc tế thành phố; bà Nguyễn Thị Bích Dung – Giám đốc Sở Ngoại vụ; ông Phạm Văn Huy – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; bà Trương Bình An – Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố; Đại tá Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn.
Về phía Thụy Điển có ông Martin Jonsson, Giám đốc chương trình toàn cầu, hội đồng thương mại và đầu tư Thụy Điển; đại diện Cơ quan phát triển doanh nghiệp vùng Gothenburg; Ông Richard Mellgren – Giám đốc cấp cao phát triển kinh doanh, bán hàng và tiếp thị – Cảng Gothenburg.
Về phía Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu có bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Vụ trưởng Bộ Công Thương, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ.
Cảng Gothenburg là cảng lớn nhất ở các nước Bắc Âu với hơn 11.000 lượt tàu ghé thăm mỗi năm từ hơn 140 điểm đến trên toàn thế giới, là cảng duy nhất của Thụy Điển có khả năng tiếp nhận những tàu container hiện đại, đi biển lớn nhất. Gothenburg xử lý gần 30% hoạt động thương mại nước ngoài của Thụy Điển, bao gồm 39 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Tại buổi làm việc, ông Lê Khắc Nam thông tin nhanh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng, giới thiệu về Hải Phòng là địa chỉ tin cậy, hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hiện thu hút FDI của thành phố Hải Phòng đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước. Tính đến hết tháng 8/2024, trên địa bàn thành phố có 965 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 31 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về cảng biển, Hải Phòng có lợi thế vượt trội về cảng biển với hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng đạt khoảng 200 triệu tấn/năm; đến năm 2025 dự kiến đạt khoảng 300 triệu tấn/năm. Trong đó, cảng Lạch Huyện là một trong 20 cảng nước sâu trên thế giới, kết nối trực tiếp tới châu Mỹ, châu Âu, mà không phải trung chuyển qua cảng của nước thứ ba, giảm tối đa thời gian và chi phí logistics, có khả năng đón tàu trọng tải cỡ lớn lên tới 160.000 tấn.
Khu bến cảng container tại Lạch Huyện hiện đang được khai thác và triển khai đầu tư xây dựng 08 bến, trong đó: đã khai thác bến số 1, số 2 với tổng chiều dài 750m, năng lực thông qua đạt khoảng 1,1 triệu Teu/năm tương đương 14,3 triệu tấn/năm. Hiện tại bến số 3,4,5,6,7,8 đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và được khai thác chính thức từ năm 2024-2027. Các bến này có thể đón tàu trọng tải tới 200.000 DWT, từ đó tạo ra hệ thống cảng xanh thông minh, hiện đại mới tại thành phố Hải Phòng cùng với hệ thống dịch vụ sau cảng tạo thành một trung tâm dịch vụ cảng biển hiện đại mang tầm cỡ quốc tế.
Hiện nay, nhà đầu tư Thụy Điển có 03 dự án đầu tư trong khu công nghiệp tại Hải Phòng, với tổng số vốn là 48,37 triệu USD, trong lĩnh vực sản xuất pin, phần cứng, may mặc.
Về định hướng phát triển Cảng biển – Logistics, TP Hải Phòng đã và đang định hướng xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế. Thành phố Hải Phòng luôn trân trọng và ủng hộ sự hợp tác; đồng thời, cam kết luôn nỗ lực nhằm kiến tạo một môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại buổi làm việc, Đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã giới thiệu về hệ thống 16 cảng của Tổng công ty trải dài từ Bắc Trung Nam, trong đó có 2 cụm cảng nước sâu mà có các tuyến dịch vụ hàng hải trực tiếp từ Hải Phòng (TC-HICT) và Cái Mép đi Châu Mỹ và Châu Âu. Đây là cơ hội rất lớn để các hãng tàu có thể triển khai các tuyến dịch vụ trực tiếp đến cảng Gothenburg - Thụy Điển trong tương lai gần. Điều này cần sự chung tay của các bên liên quan như các hãng tàu, các doanh nghiệp khách hàng xuất nhập khẩu.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương khi về Việt Nam tham dự Vietnam Internatinonal Sourcing 2023, ông Richard Mellgren cho biết, Cảng Gothenburg rất mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam với hy vọng tìm được những lĩnh vực cùng quan tâm, có thể mang lại lợi ích cho thương mại giữa hai nước. “Cảng Gothenburg cũng mong đợi được gặp các công ty Việt Nam và các doanh nghiệp Việt có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn khi vận chuyển hàng hóa của họ đến hoặc đi từ Thụy Điển. Cảng Gothenburg là cảng lớn nhất ở Thụy Điển và chúng tôi có mạng lưới đường sắt rộng khắp nối Gothenburg với một số nhà ga nội địa từ phía Nam đến phía Bắc Thụy Điển (và cả Oslo, Na Uy). Chúng tôi có thể hợp tác để giúp hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển thuận lợi hơn” - ông Richard Mellgren chia sẻ.
Trong hai năm 2023 và 2024, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã dẫn đoàn doanh nghiệp Bắc Âu về Việt Nam dự Vietnam Internatinonal Sourcing do Bộ Công Thương tổ chức. Trong Vietnam Internatinonal Sourcing năm 2023, Cảng Gothenburg là một trong những cảng đã tham gia đoàn doanh nghiệp. Tại Việt Nam, Cảng Gothenburg đã có chuyến làm việc tại Hải Phòng, thăm Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT), một trong những đơn vị thành viên của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và gợi mở những định hướng hợp tác giữa hai bên.
Buổi làm việc ngày hôm nay tiếp tục thực hiện định hướng của hai bên nhằm tăng cường hợp tác về cảng, logistics để tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng với khu vực Bắc Âu trực tiếp vào thị trường của nhau, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu. Kết thúc buổi làm việc, các bên thống nhất sẽ ký kết các Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển 2024 vào ngày 06/9/2024 tại Stockholm (Thụy Điển).
Các bản ghi nhớ hợp tác được ký kết để cùng xúc tiến thị trường, trao đổi kinh nghiệm trong khai thác cảng đặc biệt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và phát triển nguồn nhân lực cho ngành khai thác cảng, dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng...