Thành phố Hồ Chí Minh cần những đột phá trong phát triển văn hóa, con người
Sáng 16/10, Đoàn khảo sát thực tế Nhóm 3 Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc 40 năm đổi mới đất nước của Trung ương làm việc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người.
Chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhóm 3; Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Ban Chỉ đạo Nhóm 3; đại diện lãnh đạo các đơn vị Trung ương, thành phố cùng dự.
Phát biểu định hướng tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, trong 10 năm trở lại đây, sự phát triển văn hóa xã hội, bao gồm phát triển chủ trương chính sách giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội, con người Việt Nam có nhiều thay đổi nên thành phố cần đánh giá về sự phát triển nhận thức tư duy sáng tạo, đột phá về lý luận cơ bản và các chủ trương cơ chế chính sách giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội.
Ngoài ra, thành phố cần tập trung đánh giá thực trạng phát triển văn hóa, xã hội nhất là thực trạng về thể chế hóa các quan điểm của Đảng về nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội con người Việt Nam từ năm 1986 đến nay; thực trạng, thành tựu, bài học đặt ra trong phát triển văn hóa, xã hội con người Việt Nam.
Trong tương lai (đến năm 2030, tầm nhìn 2045), đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị thành phố cần đề xuất kiến nghị những giải pháp liên quan đến việc tổng kết toàn diện; Phát huy trí tuệ toàn đảng, toàn dân, toàn quân, bảo đảm dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân về xây dựng đất nước Việt Nam quang vinh hạnh phúc.
Báo cáo với Đoàn công tác về các kết quả thực hiện trong công tác xây dựng văn hóa, xã hội, phát triển con người của thành phố, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người thành phố đã vươn tầm, phát triển, đạt nhiều thành tựu nổi bật.
Trong đó nổi bật là sự phát triển về tư duy lý luận về phát triển văn hóa; nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành, trong nhân dân ngày càng nâng lên; phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong từng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội theo các tiêu chí văn minh - sạch đẹp - an toàn, kết hợp với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng được chú trọng.
Tại thành phố, nhiều phong trào, hoạt động văn hóa quần chúng đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực; phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng nhận được sự ủng hộ của xã hội. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng...
Trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống, chất lượng sống. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và trong nhân dân, tạo sự đồng bộ và hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
Đồng thời, thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước về văn hóa theo chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Khơi dậy khát vọng và sức sáng tạo của nhân dân thành phố; phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất là mục tiêu phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những kết quả Thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người. Từ kết quả đó, thành phố với vai trò đầu tàu về kinh tế, xã hội của cả nước cần nghiên cứu sâu các chính sách văn hóa, xã hội, đào tạo con người, từ đó có những bài học, kinh nghiệm, giải pháp mới áp dụng cho cả nước.
Nhấn mạnh tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người đồng bộ với việc phát triển kinh tế.
Trong rất nhiều thành tựu của thành phố trên các lĩnh vực có những thành quả nổi bật về văn hóa, xã hội và xây dựng con người. Tuy vậy, vấn đề về phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người đã làm được vẫn chưa xứng tầm với phát triển kinh tế cần phải nỗ lực để giải quyết nhiều vấn đề.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, những năm qua, nhiều tác phẩm văn hóa có giá trị được các chuyên gia, nhà nghiên cứu viết về văn hóa, con người thành phố. Đây là cả một kho tàng quý giá cần được trân trọng.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người là chủ trương lớn, thống nhất, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước.
Sau cuộc làm việc này, Đoàn công tác cùng các đơn vị của thành phố sẽ nghiên cứu sâu, kỹ các thành tựu, hạn chế suốt quá trình phát triển để không ngừng đổi mới tư duy, nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, con người trong sự phát triển chung.
Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa cũng kỳ vọng thành phố sẽ đề ra được những giải pháp đột phá, sáng tỏ, có tính ứng dụng cao để không chỉ áp dụng cho thành phố mà còn mở rộng ra quy mô cả nước.