Thành phố Hồ Chí Minh chưa phát hiện lây nhiễm từ ca tái mắc Covid-19 tại quận 3
Có 28/61 trường hợp F1 và 283/299 trường hợp tiếp xúc khác với ca tái mắc Covid-19 trên địa bàn quận 3 thành phố Hồ Chí Minh đã có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
Hẻm 359 đường Lê Văn Sĩ, quận 3 đang được tạm thời phong tỏa.
Chiều 8-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin, đã xác định được 61 trường hợp F1, chuyển cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm, trong đó, 28 trường hợp có kết quả âm tính, 33 trường hợp đang chờ kết quả. Cơ quan y tế thực hiện cách ly tại nhà 299 trường hợp tiếp xúc khác, lấy mẫu xét nghiệm giám sát. Kết quả: 283 trường hợp âm tính, 6 trường hợp đang chờ kết quả.
Trước đó, ngày 6-5, HCDC nhận được thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới về 1 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 khi đến xét nghiệm để xuất cảnh. Qua truy xét dịch tễ, cơ quan chức năng phát hiện trường hợp này chính là bệnh nhân 2.458, từng được cách ly, điều trị tại An Giang và đã xuất viện từ ngày 27-3-2021.
Ngày 19-4, sau khi hoàn thành cách ly tại nhà, người này lên thành phố Hồ Chí Minh và thuê nhà trong hẻm 359 đường Lê Văn Sĩ, quận 3.
Cũng từ ngày 8-5, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên để sàng lọc Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, mỗi ngày, cơ quan chuyên môn sẽ lấy 500 mẫu xét nghiệm, bao gồm 450 mẫu của hành khách trên các chuyến bay đến thành phố Hồ Chí Minh và 50 mẫu của các nhân viên sân bay.
Tính đến chiều 8-5, thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị cho 25 ca mắc Covid-19. Tất cả đều có sức khỏe ổn định. Từ ngày 19-4 đến nay, cơ quan y tế đã tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 2 cho 56.921 người (gồm nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất). Các trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được theo dõi và tất cả đều ổn định.
Toàn thành phố có 2.779 người đang cách ly tập trung, 35 trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Sở Y tế thành phố yêu cầu Giám đốc các bệnh viện phải xem khai báo y tế điện tử là công cụ đầu tiên để sàng lọc người bệnh khi đến bệnh viện; bố trí nhân lực có nghiệp vụ để hướng dẫn và trợ giúp người dân khai báo; bố trí phòng khám sàng lọc gần nơi khai báo y tế và tách rời khu khám, chữa bệnh. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc nhân viên y tế khai báo thay người đến khám, chữa bệnh, nhưng nhân viên y tế cần chú trọng việc khai thác tiền sử bệnh lý của người đến bệnh viện để kịp thời phát hiện bất thường.
Mọi trường hợp cấp cứu tại viện phải được thực hiện cấp cứu sàng lọc và khai báo y tế trước khi đưa vào khu cấp cứu của bệnh viện.
Các cơ sở y tế cần diễn tập tình huống phát hiện dấu hiệu bất thường liên quan đến dịch Covid-19 trong cơ sở của mình theo kịch bản đã chuẩn bị trước đó theo hướng sát với thực tế. Người đứng đầu cơ sở y tế chịu trách nhiệm trước Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh về hiệu quả công tác phòng, chống dịch của đơn vị mình.
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.