Thành phố Hồ Chí Minh: Đánh thức công nghiệp văn hóa
Khai thác lợi thế về địa danh, bản sắc truyền thống và khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đóng góp khoảng 5,7% GRDP của Thành phố (TP), tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Nhiều tiềm năng
Đề án Phát triển CNVH TP.HCM đến năm 2030 vừa được Ủy ban nhân dân (UBND) TP phê duyệt, đặt ra mục tiêu ngành CNVH trở thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và kinh tế sáng tạo quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.
Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh, con người TP.HCM; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của TP. Có 8 ngành, lĩnh vực chủ yếu của ngành CNVH TP.HCM gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.
Theo UBND TP.HCM, việc phát triển CNVH có nhiều lợi thế như TP có nền văn hóa phong phú và đa dạng với hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, nghề thủ công, các lễ hội mới được hồi sinh… Nó cũng được truyền sinh khí bởi sự tăng trưởng của quốc gia dù văn hóa đương đại vẫn còn trong tình trạng yếu ớt và trầm lặng trong truyền thông số, trong phim ảnh, âm nhạc, thời trang...
TP là địa phương giàu tài năng sáng tạo, có nhiều tiềm năng về nguồn nhân lực, có dân số trẻ và tăng trưởng nhanh, có năng lực sáng tạo tốt. Tại TP đã và đang xuất hiện những cá nhân tài năng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, các nhà sản xuất, kinh doanh văn hóa...
Ngoài ra TP cũng là địa phương có thị trường nội địa rộng lớn, dân số trẻ, đây là lớp công chúng có khuynh hướng tiêu dùng văn hóa mạnh và là đối tượng tiềm năng của các ngành CNVH.
Cùng với đó TP có nhiều tiềm năng mở rộng thị trường trong nước và cạnh tranh khu vực, có khả năng nâng cao giá trị gia tăng đối với sản xuất, đầu tư hướng đến thị trường nội địa và quốc tế. Các ngành CNVH có tầm quan trọng vì những giá trị trực tiếp mà nó đem lại cho kinh tế và xã hội, nhưng còn quan trọng hơn nhiều là bởi giá trị gián tiếp của nó khi đã và đang đóng một vai trò căn cốt trong việc nâng cao chất lượng và hình ảnh của du lịch văn hóa, cải tiến thương hiệu và sự hiểu biết số hóa trong lĩnh vực sản xuất, giúp tái định vị Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng như một xã hội đổi mới và tiến bộ.
Tuy nhiên phát triển CNVH ở TP.HCM cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn như các mô hình quản lý và đầu tư chưa phù hợp, các ngành CNVH hiện nay mới chỉ là những cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, mô hình bán công nghiệp. Trong khi đó, chưa có các cơ chế thích hợp cho sự phát triển CNVH, hiện tượng xâm phạm bản quyền tràn lan và công tác quản lý bản quyền, thu thập phí bản quyền kém hiệu quả.
Cùng với đó là việc thiếu kết nối mạng lưới, thiếu các tổ hợp sáng tạo, mức độ xúc tiến thị trường lao động thấp. Thị trường nội địa và quốc tế cho các ngành CNVH còn chưa phát triển, phần lớn các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ văn hóa đang có giá trị thấp…
Gia tăng đóng góp GRDP
Theo UBND TP.HCM, từ nay đến năm 2025, TP phấn đấu trở thành trung tâm CNVH của cả nước và khu vực. Các ngành: Nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Giai đoạn 2026 – 2030, xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm CNVH của khu vực Đông Nam Á. Tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP như quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa. Doanh thu của các ngành CNVH đóng góp khoảng 5,7% GRDP của TP.HCM, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn phát triển ngành CNVH TP.HCM đến năm 2030 là 14.668 tỷ đồng gồm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng sản phẩm, thương hiệu và thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác phát triển các ngành CNVH; tổ chức quản lý, điều hành và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực CNVH. Trong đó ngân sách Nhà nước là 9.615 tỷ đồng, còn lại xã hội hóa.
Để Đề án sớm triển khai và phát huy hiệu quả, UBND TP.HCM xác định một số nhóm công việc trọng tâm như tuyên truyền nâng cao nhận thức về CNVH; hoàn thiện cơ chế, chính sách trong đó có phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện đại. Cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
TP sẽ hỗ trợ, khuyến khích đầu tư tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của ngành văn hóa; hỗ trợ công trình tác phẩm có giá trị và tính sáng tạo cao, kế hoạch phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc. Đồng thời đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ ngành CNVH của TP.
Ngoài ra TP cũng sẽ xây dựng các chính sách ưu đãi, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành CNVH sẵn có lợi thế, tiềm năng như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thời trang, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa…
Đối với việc phát triển thị trường, TP.HCM sẽ đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ văn hóa; nghiên cứu thành lập Trung tâm phát triển CNVH TP.HCM gắn với mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế.
Đáng chú ý là giải pháp để huy động nguồn kinh phí thực hiện đề án, TP sẽ huy động, khuyến khích nguồn kinh phí, nguồn vốn xã hội hóa đầu tư, nhất là từ Nghị quyết 98 của Quốc hội. Nguồn vốn có được sẽ đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại; xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng sản phẩm, thương hiệu và thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại; phục vụ công tác quản lý, điều hành và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực CNVH.
TP.HCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nơi quy tụ nhiều nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới đến biểu diễn giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. TP hiện có 30 Nghệ sỹ nhân dân, 243 nghệ sĩ ưu tú, 18 Nghệ nhân ưu tú, 7 Nghệ nhân nhân dân, 15 hội hoạt động lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật với 6.723 hội viên. Hiện nay, số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa có 17.670 doanh nghiệp, chiếm 7,74% số doanh nghiệp của toàn TP. Giá trị sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực CNVH đều tăng. Năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành CNVH đạt trên 36.094 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt trên 84.123 tỷ đồng và năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên doanh thu sụt giảm còn 77.135 tỷ đồng.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-danh-thuc-cong-nghiep-van-hoa-162115.html