Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu cao giải ngân vốn đầu tư công
Trong năm 2023, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu kết quả giải ngân đạt trên 95%; trong đó sẽ tập trung chỉ đạo công tác giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm với các giải pháp quyết liệt.
Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh được giao hơn 70.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, cao gần gấp 2 lần so với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.
Đây là một thách thức rất lớn nhưng cũng là cơ hội để thành phố phát huy tính năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm để có thể thực hiện được kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Tỷ lệ giải ngân thấp
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tính đến ngày 31/1/2023, số liệu do Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh thống kê cho thấy thành phố đã giải ngân 26.636 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 71,3% so với tổng kế hoạch vốn giao là 37.366 tỷ đồng. Theo đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân 1.549 tỷ đồng đạt 62,5% và ngân sách địa phương giải ngân là 25.678 tỷ đồng đạt gần 72%. So với năm 2021, số vốn đầu tư công được giải ngân trong năm 2022 cao hơn 6.900 tỷ đồng. Nhiều chủ đầu tư chưa đảm bảo được tỷ giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 86% trở lên, gồm 63/92 cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án; trong đó, có 9 đơn vị giải ngân từ 80-86%; có 23 đơn vị giải ngân từ 50 - 80% và 31 đơn vị dưới 50%.
Đánh giá về tình hình giải ngân năm 2022, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Dù vốn đầu tư công được giải ngân tăng cả giá trị tuyệt đối cũng như tỷ lệ giải ngân so với năm nhưng nhận tỷ lệ giải ngân năm 2022 chưa đạt như mục tiêu đã đề ra là trên 95%.
Qua phân tích, tỷ lệ giải ngân giữa các tháng không đồng đều, vốn giải ngân chủ yếu dồn vào các tháng cuối năm. Cụ thể, tổng vốn giải ngân trong 3 tháng cuối niên độ (tháng 11, tháng 12/2022 và tháng 1/2023) chiếm tỷ trọng 56% tổng vốn giải ngân trong năm, riêng tháng 12/2022 đã chiếm tỷ trọng 32% tổng vốn và là tháng giải ngân cao nhất trong năm 2022.
Lý giải việc giải ngân đầu tư công chưa đạt mục tiêu đặt ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguyên nhân khách quan do những tháng đầu năm thành phố phải tập trung thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng nên tỷ lệ giải ngân thấp, gây áp lực cho những tháng cuối năm.
Mặt khác, xung đột chính trị, quân sự trên thế giới dẫn đến lạm phát, giá nguyên nhiên liệu, máy móc, thiết bị tăng cũng ảnh hưởng việc thực hiện dự án. Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp nhiều vướng mắc về thẩm quyền, quy trình khi thực hiện dự án bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); khó khăn ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án...
Về nguyên nhân chủ quan, theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc đăng ký bố trí vốn chưa được cơ quan chủ quản, chủ đầu tư thực hiện sát với thực tế. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư chưa đánh giá chính xác tình hình thực tiễn, không bám sát tiến độ thực tế của dự án để có những giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn được giao. Công tác phối hợp của các sở chuyên ngành và các cơ quan liên quan chưa tốt trong các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng…
Mục tiêu giải ngân 95%
Theo Nghị quyết đã được Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Thành phố Hồ Chí Minh là 70.518 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương là 15.293 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 55.225 tỷ đồng.
Với những bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, trong năm 2023, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu kết quả giải ngân đạt trên 95%; trong đó sẽ tập trung chỉ đạo công tác giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành và thực hiện.
Cụ thể, ông Phan Văn Mãi cho biết Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, có đề xuất nhiều cơ chế mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư công và xã hội hóa đầu tư.
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cho phép Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được chủ động bố trí ngân sách địa phương nguồn chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm trên cơ sở khả năng thu ngân sách thực tế. Cho phép Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, quyết định việc thực hiện đầu tư dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng với một số dự án hạ tầng, phát triển đô thị quan trọng...
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục vận hành ba tổ công tác và giao ban hàng tháng để kịp thời điều chỉnh vốn, giải quyết vướng mắc khó khăn, gồm tổ công tác thúc đẩy giải ngân các dự án được giao vốn lớn; tổ công tác rà soát các khó khăn cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; tổ công tác giải quyết vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thành phố cũng thực hiện linh hoạt điều hành kế hoạch vốn và bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ nhanh, hấp thụ vốn tốt.
Với số vốn được giao rất lớn, ngay từ những ngày đầu năm 2023, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đôn đốc các sở, ngành cùng các chủ đầu tư tăng tốc để hoàn thiện hồ sơ các dự án đã đưa vào kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, quận huyện phải rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư công, phấn đấu giảm ít nhất 30% so với quy định. Thành phố Hồ Chí Minh cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư với từng nhóm dự án cụ thể.
Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hàng tháng để đánh giá kết quả giải ngân kế hoạch, kịp thời phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị đảm bảo các dự án triển khai đúng thời gian thực hiện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tránh để xảy ra tình trạng “ngâm” vốn dẫn đến phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Thành phố Hồ Chí Minh tập trung rà soát và bổ sung vào trung hạn những công trình dự án trọng điểm, cấp bách khác có đủ điều kiện triển khai, đảm bảo tính khả thi về thủ tục đầu tư, thực hiện và có thể giải ngân vốn ngay trong năm 2023, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới như dự án đoạn 1, đoạn 2 đường Vành Đai 2, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án Xây dựng cao tốc Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, tập trung giải ngân nhanh các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án có sử dụng vốn ngân sách Trung ương như dự án đường Vành Đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), Tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành-Tham Lương), Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú, Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, Dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh.
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh thành phố quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác./.