Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Chiều 28/3, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện chính sách pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của mỗi địa phương cũng như quốc gia.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ghi nhận, đánh giá cao vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển nguồn nhân lực của thành phố trong thời gian qua, đồng chí Nguyễn Thị Thanh cho rằng, thành phố cũng còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại buổi làm việc, thành viên của đoàn giám sát và lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố, đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị của thành phố đã cùng nhau trao đổi, làm rõ một số nội dung: thực trạng phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao của Thành phố Hồ Chí Minh về quy mô, cơ cấu, số lượng, chất lượng, trình độ lao động, nguồn nhân lực; về công tác tuyển dụng, cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài đối với nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố; công tác đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao; về tình trạng dịch chuyển lao động…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Nguyễn Văn Hiếu báo cáo tại buổi làm việc.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Nguyễn Văn Hiếu báo cáo tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố, hiện nay, thành phố có 13.293 cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, trong đó trình độ đại học chiếm 76,5%, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chiếm 17,4%; có 5.766 cán bộ, công chức cấp xã trong đó 79,6% có trình độ đại học, 11,5% có trình độ thạc sĩ.

Đối với viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, thành phố có 93.160 viên chức trong đó, trình độ đại học chiếm 67,1%, trình độ thạc sĩ và tiến sĩ chiếm 9,4%. Thành phố có hơn 50% đội ngũ nhân lực là lao động trẻ, năng động, đáp ứng tiêu chí về khả năng tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ trong công việc.

Tuy nhiên, một thách thức lớn đặt ra hiện nay là tình trạng nghỉ việc trong khu vực công. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân thành phố từ năm 2020 đến tháng 3/2023, thành phố có gần 9.500 cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, phần lớn tập trung ở lĩnh vực giáo dục và y tế.

Để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoài việc phát triển đào tạo, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các chính sách nhằm thu hút nhân tài, bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nhân quốc tế đến làm việc và cống hiến cho thành phố.

Các chính sách như hỗ trợ về thuế, cải thiện môi trường sống và tạo những cơ hội phát triển nghề nghiệp hấp dẫn là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của thành phố.

Đồng thời, trong thời gian qua, thành phố đã tranh thủ các cơ chế đặc thù mà Quốc hội cho phép để xây dựng các chính sách thu hút nhân tài, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận tại buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc giám sát tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp Đoàn giám sát có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về thực trạng phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Đồng chí cũng đề nghị thành phố quan tâm một số nội dung: Cần đẩy mạnh cải cách giáo dục, thực hiện tốt các chủ trương, đề án, kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là các ngành công nghiệp mũi nhọn; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đặc biệt chú trọng khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ bằng các chính sách ưu đãi phù hợp.

Thành phố cần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số trong giáo dục và quản trị nguồn nhân lực; đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp, quan tâm triển khai, đánh giá mô hình “đại học chia sẻ” để tối ưu hóa các nguồn lực.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh bày tỏ, những ý kiến đóng góp tại buổi làm việc này sẽ là cơ sở quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những đề xuất, kiến nghị phù hợp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.

VƯƠNG LÊ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-day-manh-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-post868428.html