Lo ngại lạm phát, chứng khoán châu Á chứng kiến một phiên 'bán tháo' lan rộng

Chốt phiên chiều ngày 31/3, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) mất 1,84%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 4,1%, xuống còn 35.617,56 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Thị trường chứng khoán châu Á biến động mạnh trong phiên giao dịch chiều 31/3, khi làn sóng bán tháo cổ phiếu lan rộng tại Trung Quốc và Nhật Bản. Nhà đầu tư lo ngại về sự kết hợp bất lợi giữa lạm phát leo thang và đà suy yếu của nền kinh tế Mỹ.

Chốt phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) mất 1,84%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 4,1%, xuống còn 35.617,56 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,5% xuống 3.335,67 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong mất 1,2%, chốt ở mức 23.135,01 điểm.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 3% xuống 2.481,12 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia mất 1,7%, đóng cửa ở mức 7.843,40 điểm.

Tại Thái Lan, chỉ số SET giảm 1,5% sau khi một trận động đất mạnh tại Myanmar làm rung chuyển khu vực Đông Nam Á vào ngày 28/3. Trận động đất này đã gây thiệt hại nghiêm trọng ở Myanmar, trong khi ảnh hưởng tại Thái Lan nhẹ hơn.

Hiện tại, mối lo lớn nhất trên thị trường là nguy cơ các biện pháp thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu. Dù tác động thực tế có thể không nghiêm trọng như lo ngại ban đầu, sự bất ổn trong chính sách thương mại vẫn có thể làm thay đổi hành vi tiêu dùng và gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Một báo cáo công bố ngày 28/3 cho thấy người tiêu dùng Mỹ ngày càng bi quan về triển vọng tài chính cá nhân. Theo khảo sát của Đại học Michigan, 2/3 số người được hỏi tin rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng trong năm 2026. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2009 và làm dấy lên lo ngại về triển vọng thị trường lao động - một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Mỹ.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể nối lại chu kỳ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế và thị trường tài chính. Tuy nhiên, động thái này cũng có thể gây áp lực khiến lạm phát tăng cao hơn, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng vẫn đang vượt mục tiêu 2% của Fed.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đang trong trạng thái bất ổn khi ngày 2/4 - thời điểm Mỹ dự kiến áp thuế mới - đang đến gần. Ông Trump gọi đây là "Ngày Giải phóng" và sẽ công bố các biện pháp thuế quan đối với từng đối tác thương mại của Mỹ.

Tại Việt Nam, kết thúc phiên chiều 31/3, chỉ số VN - Index giảm 10,60 điểm (0,80%) xuống 1.306,86 điểm. Chỉ số HNX - Index giảm 3,14 điểm (1,32%) xuống 235,06 điểm.

Diệu Linh (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lo-ngai-lam-phat-chung-khoan-chau-a-chung-kien-mot-phien-ban-thao-lan-rong/368214.html