Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến có hơn 7.000 nhân sự được hỗ trợ sau sắp xếp
Với số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động là 7.159 người, Thành phố dự kiến tổng ngân sách cần đảm bảo khi triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ thêm là 16.975 tỷ đồng.

Bộ phận một cửa tiếp nhận thủ tục hành chính tại Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)
Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 7.000 nhân sự chịu tác động khi sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại và sắp xếp đơn vị hành chính các cấp…
Thành phố dự kiến chi gần 17.000 tỷ đồng hỗ trợ thêm cho các trường hợp này, trung bình mỗi người được hỗ trợ gần 2,7 tỷ đồng.
Nội dung được nêu trong tờ trình của Ủy ban Nhân dân Thành phố gửi Hội đồng Nhân dân Thành phố quy định về chế độ hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và sắp xếp đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị; trường hợp phụ trách công tác Đảng tại Tổng công ty, công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bị tác động khi thực hiện sắp xếp tổ chức Đảng; trường hợp không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trên địa bàn.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được nhận hai khoản hỗ trợ gồm hỗ trợ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ và hỗ trợ thêm theo Nghị quyết Hội đồng Nhân dân Thành phố.
Với số nhân sự dự kiến giảm 20% ở các đơn vị, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tính toán số cán bộ, công chức, viên chức khối Đảng giảm 521 người; cán bộ, công chức (không bao gồm cán bộ, công chức cấp xã) giảm 2.015 người; viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 2.767 người; cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là 988 người. Trường hợp người phụ trách công tác Đảng tại các Tổng công ty, công ty sắp xếp tổ chức Đảng bị dôi dư là 418 người; trường hợp không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm theo quy định là 450 người.
Thành phố dự kiến chi trả theo chế độ nghỉ hưu sớm tại Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ là khoảng 1,575 tỷ đồng/người; chi phí hỗ trợ thêm theo dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân Thành phố là gần 1,106 tỷ đồng/người. Như vậy, Thành phố dự kiến chi hỗ trợ cho một trường hợp là 2,681 tỷ đồng/người.
Với số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động là 7.159 người, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tổng ngân sách cần đảm bảo khi triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ thêm là khoảng 16.975 tỷ đồng. Mức dự kiến này chưa tính ước ngân sách cần đảm bảo thực hiện các chế độ hỗ trợ thêm khác theo thực tiễn phát triển của Thành phố.
Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ tinh gọn tổ chức bộ máy chính quyền
Ngày 19/2, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X tổ chức Kỳ họp thứ 29 để thực hiện kế hoạch công tác năm 2025; đồng thời giải quyết những nội dung, công việc mang tính cấp thiết, quan trọng trong triển khai, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã bám sát lộ trình thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Đề án tổng thể của Tỉnh ủy. Việc sáp nhập hướng đến mục tiêu sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của tỉnh đảm bảo “tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả” gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, có phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương số 18-NQ/TW (khóa XII), tỉnh Quảng Nam đã giảm 101 đầu mối trong các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; các cơ quan thuộc khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; khối chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện; tinh giản 6.393 biên chế trong toàn hệ thống chính trị; giảm 192 đơn vị thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh. (Ảnh: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Nam)
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng cho biết sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo để hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh... Đồng thời chỉ đạo rà soát, giải quyết tốt nội dung liên quan nhằm bảo đảm hoạt động của các cơ quan, người dân, doanh nghiệp được liên tục, thông suốt, thuận lợi khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thông qua 6 Nghị quyết với sự thống nhất cao. Trong đó, Hội đồng Nhân dân tỉnh thống nhất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2025 đạt tối thiểu 10%. Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết về thành lập 6 cơ quan, sáp nhập một cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh. Từ 19 cơ quan chuyên môn trực thuộc, sau khi thành lập, sáp nhập, tổ chức lại, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam còn 13 đơn vị (tương đương giảm 31,6% so với yêu cầu giảm 15-20% của Trung ương). Bên cạnh đó, kỳ họp thực hiện công tác nhân sự theo thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân tỉnh./.