Hà Nội triển khai thí điểm đại lý dịch vụ công tại bưu điện
Trong bối cảnh khoa học-công nghệ (KHCN) đang phát triển nhanh chóng, việc đưa ra những giải pháp trên môi trường số để tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) một cách nhanh chóng là ưu tiên hàng đầu của chính quyền TP Hà Nội, qua đó rút ngắn thời gian đi lại, chờ đợi, thúc đẩy kinh tế-xã hội (KT-XH) phát triển bứt phá.
Bên cạnh nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, việc áp dụng chuyển đổi số trong giải quyết TTHC cũng góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, nghị quyết đã xác định, mục tiêu đến năm 2030, quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương thực hiện trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số.

Nhân viên bưu điện hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Quốc Bảo
Để chất lượng giải quyết TTHC được nâng cao, UBND TP Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều giải pháp. Mới đây, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội đã phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đưa vào hoạt động thí điểm đại lý dịch vụ công (DVC) tại Bưu điện Trung tâm Hoàn Kiếm. Đây là một trong 32 đại lý DVC trực tuyến được triển khai trong giai đoạn 1 tại TP Hà Nội.
Theo đồng chí Cù Ngọc Trang, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội, mô hình thí điểm đại lý DVC trực tuyến là giải pháp mang tính đột phá, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của Thủ đô, là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Việc đưa vào hoạt động mô hình đại lý DVC trực tuyến ngay tại các bưu cục là giải pháp thiết thực, giúp hiện thực hóa mục tiêu đưa DVC đến gần hơn với người dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế, người chưa quen sử dụng công nghệ số, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Thay vì phải trực tiếp đến cơ quan hành chính, giờ đây người dân có thể đến các bưu cục gần nhất để được hỗ trợ thực hiện DVC một cách thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả.
Bên cạnh đó, mô hình đại lý DVC trực tuyến là bước tiến trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Mô hình này còn góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cán bộ, công chức nhà nước.
Với mô hình này, người dân và doanh nghiệp có thể đến các bưu cục là đại lý DVC trực tuyến để nhân viên bưu điện hỗ trợ, tư vấn cách thức, quy trình, thành phần hồ sơ cần có để giải quyết TTHC trực tuyến. Ngoài ra, nhân viên bưu điện cũng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc tra cứu hồ sơ, thanh toán online... Trường hợp người dân không có phương tiện hoặc không thể tự thực hiện, nhân viên bưu điện sẽ hỗ trợ miễn phí thực hiện các DVC trực tuyến ngay tại điểm phục vụ. Đặc biệt, khi có kết quả, nhân viên bưu điện sẽ chuyển phát nhanh, an toàn hồ sơ giải quyết TTHC đến địa chỉ người dân yêu cầu.
Đánh giá việc triển khai đề án thí điểm mô hình đại lý DVC trực tuyến tại Hà Nội sẽ hướng đến mục tiêu nâng tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến từ 30% lên 80% vào năm 2025, đồng chí Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post cho biết, Vietnam Post đã chỉ đạo các bưu điện trung tâm trên địa bàn thành phố bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị để hỗ trợ người dân thực hiện TTHC trực tuyến. Vietnam Post sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho người dân tới các bưu cục để thực hiện DVC trực tuyến một cách nhanh chóng, hiệu quả.