Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến miễn học phí trung học cơ sở: Phụ huynh nói gì?
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị chi 1.847 tỷ đồng để hỗ trợ học phí, chia sẻ gánh nặng với phụ huynh khi kinh tế khó khăn, trong đó học sinh trung học cơ sở được hỗ trợ 100%.
Đây là nội dung được nêu trong tờ trình của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gửi Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, kỳ họp 13, diễn ra ngày 6-8/12. Theo đó, năm học 2023-2024, tùy cấp học, nơi ở, học sinh được hỗ trợ học phí từ 100.000 đến 300.000 đồng mỗi tháng.
Nếu được thông qua, học sinh trung học cơ sở sẽ được miễn học phí (hỗ trợ 100%). Ở bậc trung học phổ thông, phụ huynh đóng thêm 100.000-120.000 đồng/tháng so với mức hiện hành. Còn ở nhà trẻ và mẫu giáo, phụ huynh khu vực I đóng thêm 160.000-200.000 đồng/tháng. Riêng khu vực II, Thành phố không hỗ trợ, mức đóng là 100.000-120.000 đồng/tháng. Với bậc tiểu học, học sinh được miễn học phí theo Luật Giáo dục.
Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến là 1.847 tỷ đồng. Trong đó, số chi miễn học phí trung học cơ sở là 1.108 tỷ đồng (công lập 1.042 tỷ, ngoài công lập 66 tỷ).
Phụ huynh nói gì về miễn học phí trung học cơ sở?
Trên một diễn đàn, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự vui mừng về việc Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến miễn học phí trung học cơ sở.
Một số ý kiến chia sẻ: "Tôi nghĩ đây là một nỗ lực đáng trân trọng từ chính quyền Thành phố, thể hiện sự quan tâm tới người dân và đặc biệt là thế hệ tương lai. Với hỗ trợ này thì mỗi học sinh sẽ được hỗ trợ 900.000 đồng tới 2.700.00 đồng mỗi năm (100.000 tới 300.000/học sinh/tháng x 9 tháng)"
"Tôi ủng hộ miễn học phí cấp bậc tiểu học và trung học cơ sở. Điều này giảm gánh nặng cho phụ huynh và khuyến khích gia đình trẻ sinh thêm con. Tôi cũng đề nghị tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng chăm sóc trẻ bậc mầm non, trẻ sau 6 tháng để phụ huynh có thể chủ động giữa việc lao động và chăm sóc con cái".
"Nên miễn phí tiền học phí cho học sinh từ lớp 1-12 luôn, đây là chính sách nhân văn, khuyến học, bên cạnh đó tăng thêm mức lương cho các thầy cô giáo".
Tuy vậy, nhiều phụ huynh cho rằng, hiện nay các nhà trường phổ thông thu "phụ phí" nhiều hơn học phí (chẳng đáng là bao) khiến nhiều gia đình lao đao.
Phụ huynh Lâm Chí Tình nói: "Cứ nói miễn học phí nhưng con tôi đi học đóng đủ thứ tiền: tiếng Anh nâng cao, STEM, Câu lạc bộ Tiếng Việt, Nghệ Thuật, Kỹ năng sống... Vậy miễn phí chỗ nào?".
Phụ huynh Phạm Đức Thịnh cho biết: "Học phí có đáng bao nhiêu đâu, chỉ vài chục nghìn đồng mỗi tháng. Trong khi kĩ năng sống (không biết học cái gì) thì đóng 80 nghìn đồng/tháng, STEM đóng 160 nghìn đồng/tháng, tin học quốc tế (con chưa sử dụng rành máy tính) cũng đóng 180 nghìn đồng/tháng".
Vậy phụ huynh tên Hương nêu ý kiến: "Tôi chỉ mong Nhà nước xem xét lại những môn tự chọn như: Tin học quốc tế, STEM, Toán tư duy, Anh văn bản ngữ, kỹ năng sống... cần để riêng ra khỏi thời khóa biểu chính khóa. Phụ huynh nào muốn thì cho con học, không muốn thì thôi. Mong một sự thấu hiểu và giám sát".
Phụ huynh tên Hoàng lên tiếng: "Không cần miễn học phí mà chỉ cần miễn hoàn toàn các khoản đóng góp đầu năm học với nhiều khoản thu vô lý là cả nước mừng lắm rồi. Cắt giảm hoàn toàn học thêm buổi tối và Chủ nhật, tập trung học chính khóa vào buổi sáng, còn buổi chiều ôn lại kiến thức đã học và luyện kỹ năng sống, rèn luyện thể chất tại trường".
Phụ huynh Trung Tuyến nói rằng, bên cạnh việc miễn học phí thì cũng yêu cầu các trường cắt giảm các loại phí: đóng góp, mua Báo Nhi đồng, ủng hộ này nọ, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa,... Sách giáo khoa thiết kế làm sao để có thể tận dụng được của năm trước. Như vậy mới thực sự hỗ trợ cho phụ huynh khó khăn".
Nói thêm về "phụ phí" một phụ huynh bức xúc: "Mang tiếng là miễn mà các khoản phụ thu cao ngất trời. Chỉ riêng khoản tiền điện, lớp học của con tôi thu: 42 học sinh x 23 nghìn đồng/học sinh/ tháng = 966 nghìn đồng/tháng/lớp là quá bất hợp lý. Nhà tôi dùng 2 máy điều hòa, bếp, tủ lạnh, quạt máy... mà cao lắm là 700 nghìn đồng/tháng".