Thành phố Hồ Chí Minh: Hỗ trợ người lao động trở lại làm việc

Các hoạt động kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước được mở lại. Tuy nhiên, việc 'nhập cuộc' trở lại sau thời gian dài giãn cách xã hội sẽ đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn lao động. Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc, từ đó bảo đảm có đủ nguồn lao động để phục hồi kinh tế...

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ công nhân quay trở lại làm việc để ổn định sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất ti vi tại Công ty Samsung - SEHC, Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Bá Tân

Nguy cơ thiếu hụt lao động

Anh Châu Trường Giang (quê Bến Tre) làm công nhân Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 1, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty thu hẹp sản xuất, anh phải tạm ngưng công việc và về quê từ ngày 31-7. Hiện anh mong thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện giúp người lao động từ các tỉnh được di chuyển đến thành phố sau ngày 30-9 tới để tìm việc làm...

Còn anh Trần Trọng Kim (quê Long An), từng làm quản đốc tại Công ty cổ phần In số 7 (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, từ tháng 6-2021, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh nên anh xin nghỉ việc để về quê tránh dịch. Anh cũng rất mong sớm được quay lại thành phố để tìm việc làm...

Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (Hawa) Nguyễn Chánh Phương, thời gian qua, có khoảng 40% doanh nghiệp trong ngành gỗ chỉ sử dụng từ 30-50% lực lượng lao động, số lao động còn lại phải tạm nghỉ, nhiều người về quê. Để khôi phục hoàn toàn sản xuất sau khi thành phố kiểm soát được dịch, các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu hụt khoảng 60% lao động so với trước thời điểm dịch bùng phát.

Dự báo được khó khăn về nguồn nhân lực sau khi thành phố Hồ Chí Minh mở lại hoạt động kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên phương án tổ chức lại sản xuất, trong đó trọng tâm là vấn đề lao động. Giám đốc Công ty cổ phần Mekong Herbals (huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) Trần Văn An cho biết: "Chúng tôi đang rất lo vì không dễ tìm được lao động trong lúc này, do phần lớn đã về quê. Tình huống xấu nhất là doanh nghiệp sẽ vừa sản xuất cầm chừng, vừa tuyển lao động từ nay đến đầu năm 2022 mới đủ người làm việc".

Thành phố Hồ Chí Minh có tổng số hơn 4,7 triệu người lao động đang làm việc, trong đó có trên 3,2 triệu lao động thuộc khối sản xuất, kinh doanh; hơn 50% trong số này là lao động ngoại tỉnh. Theo Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 7-2021, đơn vị đã phối hợp với các địa phương đưa trên 33.000 người về 34 tỉnh, thành phố theo nguyện vọng để tránh dịch; chưa kể những người đã tự về quê trước đó.

Tiêm vắc xin và đi lại an toàn

Nhận rõ tầm quan trọng của các lao động ngoại tỉnh trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, ngay từ giữa tháng 9-2021, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu các chính sách để thu hút lực lượng lao động trở lại thành phố ngay sau ngày 30-9. Theo đó, Sở Công Thương đã tham mưu ban hành bộ tiêu chí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó quy định rõ yêu cầu, điều kiện để người lao động được làm việc. Sở Y tế dành hàng trăm nghìn liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm mũi 2 cho công nhân khi họ trở lại làm việc.

Còn Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với các sở, ngành và các địa phương xây dựng phương án đưa người lao động trở lại làm việc. Theo đó, người lao động phải đáp ứng các điều kiện như: Được doanh nghiệp sử dụng lao động xác nhận tiếp nhận; được UBND tỉnh/thành phố nơi ở xác nhận cho ra khỏi địa phương; đã được tiêm ít nhất mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 đủ 14 ngày; người đã khỏi bệnh Covid-19 có xác nhận của cơ quan y tế; có xác nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi di chuyển…

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Lê Công Bằng cho biết: "Chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức các chuyến xe đón công nhân về thành phố Hồ Chí Minh để làm việc".

Các địa phương cũng tích cực tham gia vấn đề này. Đơn cử, Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết, quận đã kiến nghị và được UBND thành phố Hồ Chí Minh đồng ý thiết lập các khu tạm trú cho công nhân ngoại tỉnh trở lại thành phố tại các khu đất trống ngay trong khu chế xuất, khu công nghiệp, tạo "vùng đệm" khám sàng lọc, lưu trú tạm, tiêm vắc xin... bảo đảm an toàn cho công nhân trước khi vào nhà máy làm việc.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Để người lao động quay trở lại làm việc an toàn là ưu tiên cao nhất. Thành phố sẽ thực hiện hai nhiệm vụ chính là tiêm vắc xin phòng Covid-19 và chăm lo đời sống, hỗ trợ người lao động trở lại thành phố an toàn”.

Trọng Ngôn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1013281/thanh-pho-ho-chi-minh-ho-tro-nguoi-lao-dong-tro-lai-lam-viec