Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác đào tạo nhân lực trình độ quốc tế
Chiều 12/12, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị công bố kết quả đề án thành phần số 1, 3, 5, 8 thuộc đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) và đại học chia sẻ.
Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành: Công nghệ thông tin-Truyền thông, Cơ khí-Tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính-Ngân hàng, Y tế, Du lịch, Quản lý đô thị) giai đoạn 2020-2035 và đại học chia sẻ được Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt tháng 7/2021 nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao bậc đại học và sau đại học có trình độ quốc tế.
Đến nay, có 6/9 đề án thành phần được nghiệm thu; 2/9 đề án đang nghiên cứu sẽ nghiệm thu trong năm 2025 và 1/9 đề án đang thẩm định giao nhiệm vụ.
Đề án tổng thể cũng hướng đến xây dựng mô hình đại học chia sẻ có khả năng kết nối và chia sẻ mạnh mẽ các nguồn lực quan trọng trong giáo dục đại học.
Để thực hiện, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao các cơ sở đào tạo chủ trì 9 đề án thành phần.
Trong đó, có 4 đề án (1, 3, 5, 8) đã được nghiệm thu và tổng kết trong đợt này lần lượt là đề án: Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Công nghệ thông tin-Truyền thông (Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); ngành Tài chính-Ngân hàng (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh); ngành Quản lý đô thị (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Trên cơ sở kết quả “Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính-Ngân hàng” đã được nghiệm thu vào tháng 7/2023, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chính thức ban hành và triển khai Đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính-Ngân hàng với tên gọi “Chương trình Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính-Ngân hàng”.
Theo đó, Chương trình Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính-Ngân hàng nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về Tài chính-Ngân hàng, cũng như các kiến thức nền tảng về kinh tế và quản lý.
Chương trình nhấn mạnh vào sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, xây dựng các kỹ năng thiết yếu và phát triển các kỹ năng nghề nghiệp để giúp sinh viên đáp ứng các yêu cầu việc làm có tính quốc tế, hòa nhập nhanh chóng vào thị trường lao động ngành Tài chính-Ngân hàng, thích ứng nhanh với sự phát triển của công nghệ và quá trình hội nhập toàn cầu.
Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định xây dựng và triển khai Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đề án đã tạo động lực mạnh mẽ để các cơ sở giáo dục phát triển chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực trình độ nhân lực quốc tế của thị trường lao động.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển đột phá và tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 8 ngành đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế.
Hiện, thành phố cũng đang khẩn trương hoàn thiện đề án trở thành trung tâm tài chính. Những công việc lớn này đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn.
Do đó, chương trình đào tạo cần hướng đến chuẩn quốc tế, gắn chặt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động để khi sản phẩm đầu ra đáp ứng ngay cho thị trường lao động.
Các cơ sở đào tạo nên có hợp tác quốc tế trong xây dựng chương trình, đẩy mạnh tương tác với các cơ sở đào tạo khác để có được chương trình tiên tiến, hiện đại.
Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các đại biểu, đã diễn ra ký kết hợp đào tạo nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở giáo dục đại học; ký kết bàn giao quyền sử dụng đối với kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ giữa Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.