Thành phố Hồ Chí Minh: Hướng đến 'đô thị sông nước'
Hệ thống sông, kênh, rạch là tài nguyên đặc biệt và cũng là đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, thành phố sẽ quy hoạch phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành để sử dụng hợp lý quỹ đất ven sông, đồng thời xây dựng thành phố theo hướng 'đô thị sông nước'.
Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành kè các sông nội thành
Số liệu thống kê của UBND thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hệ thống sông, kênh, rạch toàn thành phố có tổng chiều dài khoảng 7.955km. Ngoài sông Sài Gòn, thành phố hiện có 39 tuyến kênh, rạch. Trong vài thập kỷ trở lại đây, quá trình phát triển đô thị ồ ạt đã khiến nhiều đoạn sông, kênh, rạch bị biến dạng. Đơn cử, đoạn kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã từng bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi hàng chục căn nhà. Hay mới đây, tại quận 12 đã xảy ra sự cố sạt lở phần đất trong phạm vi hành lang bảo vệ đê bao sông Sài Gòn, gây nguy cơ sạt lở đê bao khiến các ngành chức năng phải vào cuộc khắc phục hậu quả.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng bờ kè sông, kênh, rạch để giữ đặc trưng “đô thị sông nước”.
Tính đến nay, chỉ có kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tẻ đã được chỉnh trang cơ bản. Hiện thành phố còn 85% tổng số chiều dài bờ sông, kênh, rạch chưa được xây bờ kè, chưa chỉnh trang đô thị hai bên bờ. Nhiều năm qua, công tác chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ sông, kênh, rạch của thành phố gặp nhiều khó khăn, khiến các dự án bị đình trệ mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu mặt bằng, thiếu kinh phí bồi thường giải tỏa. Cụ thể như tại dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), theo ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, dự án đến nay chưa thể triển khai do gặp khó khăn về kêu gọi đầu tư bởi tổng mức kinh phí quá lớn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, xây dựng bờ kè sông, kênh, rạch vừa giúp chống sạt lở, vừa giữ và tiêu thoát nước; đồng thời giúp chỉnh trang diện mạo đô thị, tạo không gian mở để người dân đến sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Đặc biệt, xây dựng bờ kè giúp thành phố giữ được nguyên trạng hệ thống sông, kênh, rạch lâu dài. Điều này rất quan trọng để xây dựng thành phố hướng đến “đô thị sông nước”, bởi đây là đặc trưng của thành phố. Vì thế, thành phố định hướng đến năm 2025 sẽ hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành.
Huy động toàn xã hội tham gia
Góp ý về giải pháp, kiến trúc sư Khương Văn Mười (nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thành phố có thể giải tỏa trắng hiện trạng hai bên bờ sông, kênh, rạch còn nhếch nhác, tạm bợ để tạo dựng không gian mới với chức năng phục vụ cộng đồng. “Có thể thực hiện cuốn chiếu từng đoạn, đầu tư xây dựng mới bao gồm tổ chức lại cho người dân tái định cư. Nâng cao đẳng cấp giá trị không gian cảnh quan sông nước, diện mạo đô thị đường ra kênh, rạch... Giải pháp này đòi hỏi nguồn lực kinh tế mạnh và hy vọng sẽ từng bước thay đổi diện mạo kênh, rạch. Trước hết là cần tập trung tại những khu vực có diện tích đất lớn”, kiến trúc sư Khương Văn Mười hiến kế.
Để tiết kiệm nguồn vốn đầu tư, trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) cho biết, các chuyên gia của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam luôn trăn trở làm sao để giảm tối đa chi phí xây dựng bờ kè. Sau khi nghiên cứu tính toán về mặt thủy lực, các đơn vị liên quan tư vấn đã đề xuất xây dựng các tràn tại những vị trí nối với sông Sài Gòn để giữ nước. Cao trình ngưỡng tràn được chọn là 0,5m và yêu cầu lớp nước tối đa 2,5m thì cao trình đáy kênh chỉ cần -2m, đồng nghĩa với kinh phí xây dựng có thể giảm tới 50%. “Như vậy, nếu xây dựng 10km bờ kè có thể tiết kiệm được khoảng 1.000 tỷ đồng”, PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh khẳng định.
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, để quy hoạch và bảo đảm tính khả thi thì hình thức kết cấu công trình kè bảo vệ là một vấn đề quan trọng vì hạng mục này liên quan trực tiếp đến cảnh quan và đặc biệt là kinh phí đầu tư. PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh đề xuất phải có quy hoạch để định hướng và làm cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời phải có cơ chế chính sách phù hợp kêu gọi đầu tư, xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các công trình kè bờ sông, kênh, rạch khu vực nội thành để làm mẫu cho các dự án kè mở rộng ra khu vực ngoại thành.
Liên quan đến vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, sông nước là tài nguyên thiên nhiên đặc biệt của thành phố nên phải sử dụng hiệu quả. Trước tiên là tiếp tục tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về kinh nghiệm quốc tế trong việc quy hoạch, phát triển các vùng đất ven sông tại các nước. Đối với thành phố, cần phối hợp với các chuyên gia mô phỏng tình trạng ngập úng và thoát nước, làm rõ các giải pháp kỹ thuật xây kè sông đa chức năng với chi phí thấp. Mô hình này không chỉ theo hình thức đối tác công - tư (PPP), mà bên cạnh Nhà nước, doanh nghiệp thì người dân cũng được tham gia.