Thành phố Hồ Chí Minh lo ngại trước đề xuất tăng giá dịch vụ thoát nước của Sở Xây dựng

Trước đề xuất của Sở Xây dựng với UBND thành phố về việc 'Ban hành giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2024', các chuyên gia cho rằng cần tính toán lại lộ trình hợp lý hơn. Bởi trước những khó khăn mà nền kinh tế đang gặp phải do dịch Covid-19 gây ra thì việc tăng giá dịch vụ thoát nước thời điểm này là chưa thích hợp.

Chưa nên áp dụng thu phí dịch vụ thoát nước trong năm 2020

Sở Xây dựng đề xuất giá dịch vụ thoát nước bình quân năm 2020 trên mỗi m3 là 1.430 đồng (chưa gồm thuế giá trị gia tăng); năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và có mức 4.237 đồng vào năm 2024.

Việc thu phí sẽ áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình có xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên thành phố và đã đóng tiền dịch vụ thoát nước không phải trả phí bảo vệ môi trường. Phương thức thu sẽ căn cứ vào khối lượng nước tiêu thụ hàng tháng của hộ dân thông qua hóa đơn.

Nước thải sinh hoạt đang được xử lý trước khi xả thải ra môi trường.

Nước thải sinh hoạt đang được xử lý trước khi xả thải ra môi trường.

Điều đó vô tình 1m3 nước sẽ phải chịu phí bảo vệ môi trường và phí dịch vụ thoát nước (nếu không kiểm soát tốt sẽ lạm thu), chưa kể thuế giá trị gia tăng 10% và giá nước sạch tăng theo lộ trình hàng năm. Như vậy, 1m3 nước sạch đến năm 2024 có giá bình quân khoảng 18.000 đồng bao gồm thuế phí, tăng gấp 3 lần giá nước sạch hiện nay bán cho hộ dân (giá bán lẻ nước sạch cho hộ dân định mức 1 trên 6.000 đồng cho 4m3 đầu).

Ông Lê Xuân Đỉnh - ngụ quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giá nước sạch hiện đã tăng từ 5 -7% hàng năm theo lộ trình (từ ngày 15/11/2019, giá bán nước sạch ở thành phố giai đoạn 2019-2022 tăng trung bình 5-7% năm, sau đề xuất của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV - Sawaco), cùng với phí bảo vệ môi trường 10%. Như vậy, giá nước sạch tăng bình quân cũng khoảng 15% mỗi năm, nay Sở Xây dựng đề xuất tăng phí dịch vụ nước thải theo tỷ lệ cấp nước sạch, nếu các bên làm không khéo lại phí chồng phí và lạm thu. Nếu đề xuất của Sở Xây dựng mà thành phố thông qua thì người dân chịu áp lực rất lớn trước việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong đời sống hàng ngày như điện, nước, gạo, thịt…

Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 6, Nghị định 53/2020/NĐ-CP ngày 15/05/2020 “Quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải”, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 lại quy định: “Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt: Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí”.

Lo ngại, người dân phải chịu 2 lần phí, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: “Việc thu giá dịch vụ thoát nước (bao gồm phí xử lý nước thải) nhằm có thêm nguồn thu để đầu tư và thu hút nguồn xã hội hóa vào duy tu hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, là rất cần thiết. Thực tế hơn 20 năm qua, các dự án nhà ở thương mại (cả nhà thấp tầng và nhà chung cư) đều phải xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định và bàn giao tài sản này cho cơ quan chuyên ngành quản lý vận hành. Nhưng hiện nay, có một số dự án chưa bàn giao được công trình xử lý nước thải sinh hoạt cho cơ quan chuyên ngành, nên người dân trong các dự án này đã phải trả chi phí xử lý nước thải “hai lần” (Một lần, trả chi phí cho chủ đầu tư để vận hành trạm xử lý nước thải; một lần, đóng “phí bảo vệ môi trường” thông qua trả tiền nước sạch). Đặc biệt, trong tình hình đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến khó lường, đa số người dân bị tác động rất lớn, một bộ phận bị thiếu việc làm, bị thất nghiệp, bị giảm thu nhập, thậm chí bị mất thu nhập, phải chi tiêu dè sẻn, nên việc đề xuất tăng thu phí xử lý nước thải trong năm nay chưa thật phù hợp”.

Ngoài ra, người dân đang sinh sống tại các dự án nhà ở cao tầng, thấp tầng trên địa bàn thành phố đã phải đóng tiền phí bảo vệ môi trường theo khối lượng nước sạch sử dụng mà còn phải trả thêm tiền cho việc xử lý, thoát nước thải được trích ra từ phí quản lý hàng tháng.

Trước những khó khăn ông Châu kiến nghị: “UBND thành phố xem xét, chưa nên áp dụng “giá dịch vụ thoát nước” (gồm “phí bảo vệ môi trường đối với nước thải”) trong năm 2020 theo đề xuất của Sở Xây dựng, mà nên giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019, để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình trong tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay. Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Sở Xây dựng, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở hoàn thành các thủ tục kiểm tra nghiệm thu đạt chuẩn, để được bàn giao công trình xử lý nước thải của dự án, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình trong các dự án này”.

Cần nguồn vốn lớn cho mạng lưới thoát nước thành phố

Ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc thoát nước, chống ngập ở thành phố đạt được một số hiệu quả do có nhiều dự án chống ngập được đầu tư, hoàn thành. Tổng cộng nguồn vốn chống ngập của thành phố giai đoạn 2016-2020 gần 26.000 tỷ đồng.

Theo quy hoạch thoát nước của Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai (đến năm 2050) sẽ mở rộng diện tích lên gần 2.100km2, tăng gấp 3 lần so với quy hoạch cũ để đảm bảo cho mục tiêu giảm ngập cho thành phố.

Việc mở rộng quy hoạch làm cơ sở giúp thành phố thực hiện các dự án mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước; lập quy hoạch chuyên biệt cho hệ thống thoát nước mưa, gồm hệ thống thoát nước chính, cống cấp 1, cấp 2 đảm bảo yêu cầu.

Theo ước tính, tổng chi phí cho hoạt động duy tu, bảo trì... thoát nước giai đoạn 2016-2020 của thành phố khoảng 5.900 tỷ đồng, nhưng nguồn thu “phí bảo vệ môi trường đối với nước thải” còn quá ít. Cụ thể năm 2017, tổng chi phí là 948 tỷ đồng, trong khi tiền thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt chỉ 414 tỷ đồng, vẫn chưa đủ “bù đắp” để thực hiện công tác duy tu hệ thống thoát nước, chưa nói tới việc đầu tư các dự án xử lý nước thải. Toàn thành phố hiện nay chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất xử lý 171.000 m3/ngày (chỉ bằng 13% lượng nước thải trên địa bàn thành phố). Như vậy, có đến 1,5 triệu m3 nước thải/ngày chưa được xử lý vẫn đổ ra sông, rạch, không thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 xử lý 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị.

Cao Cường

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-lo-ngai-truoc-de-xuat-tang-gia-dich-vu-thoat-nuoc-cua-so-xay-dung-286994.html