Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt giám sát an toàn thực phẩm trong dịp Tết
Ngay từ cuối năm 2023, Sở An toàn thực phẩm Thành phố đã thành lập các đoàn đi kiểm tra các kho chứa nguyên liệu như thịt, hàng tươi sống phục vụ cho việc sản xuất, chế biến hàng hóa Tết.
Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao nhất trong năm, do đó tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Để người dân vui Xuân đón Tết an toàn, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm những ngày này tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn được siết chặt.
Đảm bảo thực phẩm an toàn từ chợ đầu mối
Cứ khoảng 20 giờ, khi các xe tải chở hàng bắt đầu nối đuôi nhau chạy về các nhà lồng trong chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), các nhân viên của Đội Quản lý an toàn thực phẩm số 10 (Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh) bắt đầu một ngày làm việc. Cùng với quan sát bằng mắt, kiểm tra hóa đơn, chứng từ, nhân viên Đội Quản lý an toàn thực phẩm còn lấy mẫu test nhanh. Càng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán, lương thực, thực phẩm về chợ càng nhiều, thời gian làm việc mỗi đêm. Số lượng test nhanh mà họ phải thực hiện nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Sắc, Đội trưởng Đội Quản lý an toàn thực phẩm số 10 cho biết, đơn vị đang tăng cường kiểm tra với tất cả mặt hàng nông sản nhập chợ. Cùng với việc kiểm tra bằng ngoại quan, cảm quan, đơn vị liên tục test nhanh kiểm tra dư lượng tạp chất trong các mặt hàng thủy hải sản như: nồng độ hàn the, oxy già, các chất tẩy rửa khác...
“Một số ngành hàng có nguy cơ cao như: rau củ quả sơ chế, rau muống bào, măng, ngó sen... phải đảm bảo không ngâm tẩy trắng, tăng trọng và nếu sử dụng hóa chất phụ gia phải nằm trong mục cho phép, có chứng từ rõ ràng. Các sản phẩm thịt có thể truy xuất rõ ràng, có dấu kiểm soát giết mổ mới cho nhập chợ,” ông Nguyễn Văn Sắc thông tin.
Đội Quản lý an toàn thực phẩm số 9 phụ trách chợ đầu mối Hóc Môn đã huy động toàn lực, trắng đêm giám sát thực phẩm ra vào trong những ngày giáp Tết.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Đội trưởng Đội Quản lý an toàn thực phẩm số 9, trung bình mỗi đêm lượng thịt lợn về chợ khoảng gần 400 tấn, tương đương 5.100 con lợn.
Những ngày cận Tết, lượng thịt về chợ tăng lên 30% và việc kiểm soát đảm bảo chất lượng, an toàn cũng được triển khai chặt chẽ. Thịt lợn, thịt bò nhập chợ phải là thịt tươi, được đeo vòng nhận diện, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải được giết mổ ở các lò mổ hợp pháp, được kiểm tra của thú y đúng theo quy định và phải qua kiểm tra của Đội 9 trước khi vào chợ.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mỗi ngày, 3 chợ đầu mối lớn là Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn đảm bảo cung ứng cho khoảng 80% nhu cầu của người dân địa phương. Đến thời điểm cận Tết, do nhu cầu tăng nên lượng thực phẩm về các chợ cũng tăng lên từ khoảng 30-50%. Do đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại 3 chợ này luôn được chú trọng quan tâm. Sở đã phân công 3 Đội Quản lý an toàn thực phẩm “cắm chốt” tại 3 chợ đầu mối nhằm đảm bảo thực phẩm ra vào chợ luôn được giám sát, kiểm tra.
“Chủ trương của chúng tôi là phải đảm bảo được tính an toàn cao nhất tại các chợ đầu mối; bởi thực phẩm từ đây sẽ tỏa đi khắp địa bàn Thành phố. Nếu không đảm bảo được sự an toàn từ các chợ này, nguy cơ người dân sử dụng phải thực phẩm không an toàn càng cao,” bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Ngay từ cuối năm 2023, Sở An toàn thực phẩm Thành phố đã thành lập các đoàn đi kiểm tra các kho chứa nguyên liệu như thịt, hàng tươi sống phục vụ cho việc sản xuất, chế biến hàng hóa Tết. Đến đầu năm 2024, các đoàn tập trung kiểm tra ở các khâu phân phối, cung ứng hàng hóa.
Theo Giám đốc Sở An toàn thực phẩm, trong đợt cao điểm thanh, kiểm tra dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đơn vị đã phát hiện một số vi phạm nhưng chưa phát hiện vấn đề nào nghiêm trọng. Sở sẽ mạnh tay hơn trong việc đình chỉ hoạt động, thu hồi các loại giấy phép và chuyển cơ quan điều tra đề nghị truy tố đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn. Đồng thời, đơn vị sẽ công khai các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.
“Bước đầu có thể nhận thấy, việc chấp hành về vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất hàng Tết tại Thành phố Hồ Chí Minh tương đối tốt. Sở sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong đợt cao điểm Tết,” bà Phạm Khánh Phong Lan nhận định.
Nên lựa chọn nơi uy tín để mua sắm thực phẩm Tết
Mặc dù thông qua hoạt động kiểm tra chưa ghi nhận vụ vi phạm nghiêm trọng nào về an toàn thực phẩm nhưng người đứng đầu Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh vẫn lo ngại về tình trạng buôn bán thực phẩm bất hợp pháp trên vỉa hè, lòng, lề đường chưa thể giải quyết triệt để.
Thực tế, bên ngoài các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đã xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp ăn theo bán thực phẩm. Càng gần đến Tết Nguyên đán, hoạt động buôn bán này càng trở nên tấp nập. Sự bùng nổ của thương mại điện tử, kinh doanh thực phẩm online cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Năm 2023, do tình hình kinh tế khó khăn nên dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều người dân thắt chặt chi tiêu. Một số người tìm đến nguồn hàng giá rẻ, trôi nổi trên thị trường khiến nguy cơ mất an toàn thực phẩm tăng cao.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, dù kinh tế khó khăn nhưng người dân cần cân nhắc trong việc mua thực phẩm, bởi việc mua và sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn có thể dẫn đến ngộ độc, về lâu dài các chất độc có thể tích tụ và gây nên những hệ lụy không tốt cho sức khỏe. Người nội trợ nên cân nhắc khi mua sắm thực phẩm Tết; không cần mua quá nhiều nhưng nên mua ở những địa chỉ uy tín, đã được kiểm tra giám sát. Bên cạnh đó, người dân có thể tham khảo thêm giải pháp mua hàng giảm giá ở siêu thị, chợ đầu mối vào những giờ xả hàng.
Theo Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố, hàng hóa cung ứng cho nhu cầu sử dụng trong dịp Tết rất đa dạng, đầy đủ. Hệ thống kênh phân phối bán lẻ hoạt động liên tục, nhiều nơi bán xuyên Tết. Vì thế, người dân không cần tích trữ hàng hóa, chỉ nên mua sắm vừa đủ để bảo đảm an toàn thực phẩm và tiết kiệm chi tiêu. Khi sử dụng thực phẩm, người dân nên chú ý hạn dùng, cách bảo quản đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Bà Phạm Khánh Phong Lan kêu gọi, người dân khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm hoặc nếu gặp phải sự cố về mất an toàn thực phẩm cần gọi đến số điện thoại đường dây nóng của Sở An toàn thực phẩm (028.39.301.714) để được giải quyết, xử lý kịp thời./.